Thủ tục thành lập công ty dịch vụ lữ hành năm 2024

Hiện nay, với sự phát triển của ngành du lịch, nhu cầu đi du lịch, khám phá các địa danh mới và trải nghiệm văn hóa đang tăng cao, việc tổ chức các tour du lịch đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng. Do đó, việc thành lập công ty dịch vụ lữ hành ngày càng được ưa chuộng.

Bài viết dưới đây là những quy định có liên quan đến việc thành lập công ty dịch vụ lữ hành, Việt Luật xin mời quý bạn đọc tham khảo.

điều kiện thành lập công ty lữ hành

A. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành

Theo quy định tại Điều 30 – Luật Du lịch 2017 thì việc kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:

  1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa;
  2. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài;
  3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa trừ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
  4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

B. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành

Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định tại Điều 31 – Luật Du lịch 2017 bao gồm:

  1. Đối với dịch vụ lữ hành nội địa

    • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
    • Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
    • Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
  2. Đối với dịch vụ lữ hành quốc tế

    • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
    • Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
    • Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Ký quỹ khi thành lập công ty lữ hành

Mức ký quỹ và phương thức kỹ quỹ:

Khi đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp phải ký quỹ tại ngân hàng, quy định này được nêu tại Điều 14 – Nghị định 168/2017/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 94/2021/NĐ-CP như sau:

  1. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng;

  2. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

    • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng;
    • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;
    • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

Chuyên ngành về lữ hành

Theo quy định tại Khoản 2- Điều 3 – Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL thì chuyên ngành lữ hành bao gồm chuyên ngành sau:

  1. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
  2. Quản trị lữ hành;
  3. Điều hành tour du lịch;
  4. Marketing du lịch;
  5. Du lịch;
  6. Du lịch lữ hành;
  7. Quản lý và kinh doanh du lịch.

C. Trình tự, thủ tục thành lập công ty dịch vụ lữ hành

thành lập công ty lữ hành cùng Việt Luật

Bước 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh

Thành phần hồ sơ:

  • Đơn đề nghị thành lập doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên (trường hợp công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh);
  • Danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
  • Bản sao y chứng thực CCCD của:
    • Người đại diện theo pháp luật;
    • Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là cá nhân;
    • Người đại diện theo ủy quyền (trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức);
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức.
  • Giấy ủy quyền cho Việt Luật nộp hồ sơ.

Quý khách tham khảo quy định đặt tên Doanh nghiệpnhững việc cần làm sau khi có Giấy phép theo link.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế Hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở

Hồ sơ thành lập công ty dịch vụ lữ hành được nộp trực tuyến tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Bước 3: Nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Sau thời gian từ  3 – 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 4: Đăng bố cáo doanh nghiệp và khắc dấu

Việt Luật hỗ trợ quý khách đăng bố cáo, làm con dấu, không phát sinh riêng chi phí.

Bước 5: Để chính thức đi vào hoạt động, Công ty phải tiến hành xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành

Hồ sơ nộp tại: Sở Du lịch nơi công ty đặt trụ sở

  1. Đối với trường hợp xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, thành phần hồ sơ bao gồm:
    • Đơn đề nghị theo mẫu 04 –  Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL;
    • Bản sao y Giấy phép đăng ký doanh nghiệp;
    • Giấy chứng nhận ký quỹ (điều kiện đã nêu bên trên);
    • Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
    • Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
  2. Đối với trường hợp xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, thành phần hồ sơ bao gồm:
    • Đơn đề nghị theo mẫu số 02 – Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL;
    • Bản sao y Giấy phép đăng ký doanh nghiệp;
    • Giấy chứng nhận ký quỹ (điều kiện đã nêu bên trên);
    • Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
    • Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Thời gian xử lý: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ

Mọi thắc mắc, quý khách liên hệ lại để được Việt Luật hỗ trợ.

5/5 - (2 bình chọn)