Những điều cần lưu ý khi đầu tư, góp vốn vào Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp để đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam cần dựa trên hai nền tảng pháp luật. Đó là các quy định pháp luật Việt Nam như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, các văn bản hướng dẫn hiện hành và dựa trên quy định của các cam kết WTO mà Việt Nam là thành viên.

Việt Luật – Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo pháp luật hiện hành, khi muốn nhà đầu tư nước ngoài (được hiểu là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam) đầu tư, góp vốn trong các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Cơ sở pháp lý, pháp luật áp dụng

Pháp luật nào áp dụng, những ưu đãi nào được hưởng là những vấn đề Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tiên khi tiến hành thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Việt Nam. Nếu lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh thuộc sự điều chỉnh của các hiệp định thương mại Việt Nam ký kết, các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định thì sẽ ưu tiên tuân thủ theo pháp luật quốc tế đó (khoản 3 Điều 4 Luật đầu tư 2014). Điều này nhằm góp phần xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc, tạo những thuận lợi quốc tế, mở rộng thị trường thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhất là từ các quốc gia mà Việt Nam đã kí kết các Hiệp định hợp tác đầu tư.

Pháp luật Việt Nam áp dụng: các trình tự thủ tục đầu tư của người nước ngoài thường sẽ áp dụng theo pháp luật về đầu tư, trừ các trường hợp đầu tư theo ngành nghề quy định trong Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí.

2. Đáp ứng điều kiện về ngành nghề kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài

Các ngành nghề kinh doanh theo luật Việt Nam được chia thành ngành nghề kinh doanh bình thường ( ngành nghề không có điều kiện) và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể hiểu là những lĩnh vực mà khi các nhà đầu tư muốn kinh doanh góp vốn phải đáp ứng một số các điều kiện như về chứng chỉ hành nghề hoặc vốn đầu tư. Những ngành nghề khác nhau sẽ có các điều kiện đầu tư, góp vốn khác nhau.

Khi lĩnh vực kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài muốn góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế, cần xem xét ngành nghề đó có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không, đặc biệt là ngành nghề kinh doanh này có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hay không. Nếu thuộc trường hợp này thì phải tuân theo quy định cụ thể của từng ngành nghề đó.

Danh sách ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo pháp luật hiện hành quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đầu tư, góp vốn trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 6 Luật đầu tư 2014).

>> XEM THÊM: Chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3. Hình thức góp vốn

Điểm tiếp theo doanh nghiệp cần chú ý khi đăng ký cho người nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty Việt Nam là về hình thức góp vốn. Đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp để trở thành thành viên Công ty TNHH, thành viên Công ty Cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam là một trong những cách thức đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các cách sau:

  • Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông, trở thành cổ đông công ty khi thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng kí cổ đông;
  • Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
  • Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác.
Việt Nam khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp tại Việt Nam

Mặt khác, khi những người này thực hiện đầu tư kinh doanh theo hình thức mua cổ phần, phần vốn góp trong các Công ty tại Việt Nam thì không cần phải thành lập các tổ chức kinh tế (Khoản 2 Điều 22 Luật đầu tư 2014). Mọi hoạt động thanh toán mua bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản (khoản 3 Điều 36 Luật doanh nghiệp 2014).

4. Tỷ lệ sở hữu vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Tỷ lệ sở hữu vốn góp quy định Điều ước quốc tế

Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam cần phải xét xem quy định trong Biểu cam kết WTO cho phép nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn với tỷ lệ phần vốn góp là bao nhiêu. Tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào từng loại ngành nghề nhà đầu tư dự định đầu tư, góp vốn.

Ví dụ: Một số ngành nghề quy định trong Biểu cam kết WTO hạn chế tỷ lệ phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài như ngành dịch vụ chứng khoán (phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 49%), dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường bộ (phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 51%), dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ (phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51%)…

Tỷ lệ sở hữu vốn góp theo quy định Điều lệ doanh nghiệp

Nếu pháp luật không có quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp, doanh nghiệp cần phải xem xét trong Điều lệ của công ty có quy định về tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài hay không trước khi tiến hành thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài và trở thành thành viên/cổ đông trong các doanh nghiệp đó. Điều lệ có quy định về giới hạn sở hữu vốn trong Công ty thì cần tuân thủ đúng.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu vốn lên đến 100%

Tỷ lệ sở hữu vốn góp không bạn chế

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, mua cổ phần, vốn góp có thể được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, ngoại trừ các trường hợp: (khoản 3 Điều 22 Luật đầu tư 2014)

  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Lĩnh vực đầu tư kinh doanh của công ty sau khi có người nước ngoài góp vốn

Công ty nhận góp vốn, chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài phải chấp hành đúng các điều kiện về ngành nghề kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam và các Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp sau khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào có khả năng sẽ bị thay đổi. Những ngành nghề kinh doanh này có thể phải thay đổi, chỉ được giữ lại các ngành nghề kinh doanh phù hợp. Hoặc Công ty sẽ phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp để phù hợp với quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Ví dụ: Nhà đầu tư nước ngoài làm thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty TNHH một thành viên, trở thành thành viên mới của Công ty này. Lúc này, Công ty vượt quá số lượng thành viên theo quy định. Từ đó, doanh nghiệp phải làm thủ tục để chuyển đổi sang loại hình Công ty TNHH hai thành viên.

>> XEM THÊM:

Trên đây là bài viết: “NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐẦU TƯ, GÓP VỐN VÀO VIỆT NAM“. Trong trường hợp trao đổi chi tiết thêm hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Công ty Việt Luật chúng tôi, xin vui lòng liên hệ:

  • Địa chỉ: Số 02 Hoa Phượng, P. 02, Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.
  • Điện thoại tư vấn: 08 3517 2345 (20 lines) – Tổng đài tư vấn: 1900 585847
  • Hotline:  0934 234 777 (Ms. Sương) – 0936 234 777 (Mr. Mẫn)
  • Địa chỉ mail: [email protected] – Facebook.com/Vietluatvn

Rate this post