Trong những năm gần đây, xuất khẩu lao động đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Nhiều người lao động Việt Nam đã có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, các quốc gia Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến thủ tục, tiền lương và điều kiện làm việc. Nhưng thực tiễn, nhờ xuất khẩu lao động cho nên đã giúp được nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các công ty môi giới lao động, đăng ký cho người Việt Nam đi xuất khẩu lao động phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bài viết dưới đây, Việt Luật xin mời quý bạn đọc tham khảo điều kiện để xin được Giấy phép xuất khẩu lao động.
KHÁI NIỆM VỀ GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Theo quy định tại Điều 8 – Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì chúng ta có thể hiểu Giấy phép xuất khẩu lao động là giấy phép được cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người Việt đi làm việc ở nước ngoài.
Quy định cụ thể như sau:
Điều 8. Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp.
2. Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này và đáp ứng các điều kiện của từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo quy định của Chính phủ trong suốt quá trình hoạt động.
Ngành, nghề dịch vụ đưa người Việt đi làm ở nước ngoài là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, do đó, khi đi vào hoạt động chính thức, doanh nghiệp bắt buộc phải xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hay còn gọi là Giấy phép xuất khẩu lao động.
Đặc điểm của Giấy phép xuất khẩu lao động:
- Có hoa văn màu vàng nhạt, nền trống đồng;
- Hình Quốc huy và tên viết tắt của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bằng tiếng Anh (MOLISA) được in chìm);
- Giấy bìa cứng kích thước khổ A4 (21 cm x 29,7 cm), khung viền màu xanh.
Nội dung của Giấy phép xuất khẩu lao động:
- Số Giấy phép và ngày cấp Giấy phép;
- Tên doanh nghiệp;
- Mã số doanh nghiệp;
- Địa chỉ trụ sở chính;
- Số điện thoại;
- Địa chỉ trang thông tin điện tử.
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
Theo quy định tại Điều 9 – Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nội dung bao gồm:
- Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài;
- Chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động;
- Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
- Quản lý người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
- Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.
ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Cơ sở pháp lý:
- Điều 10 – Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Được hướng dẫn bởi điều 4, 5, 6, Nghị định 112/2021/NĐ-CP.
Điều kiện về vốn điều lệ:
- Có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên;
- Có tài liệu chứng minh có đủ số vốn tối thiểu 5 tỷ đồng (chứng thư ngân hàng).
Lưu ý: Doanh nghiệp đã được thành lập hay có hoạt động kinh doanh hơn một năm thì ngoài xác nhận số dư tài khoản cần phải nộp báo cáo kiểm toán.
Điều kiện về chủ sở hữu, thành viên, cổ đông
Chủ sở hữu, các thành viên, cổ đông công ty bắt buộc là nhà đầu tư trong nước.
Do đó, ta có thể hiểu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì đều không thể xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động.
Điều kiện về tiền ký quỹ
Theo quy định tại Điều 23 – Nghị định 112/2021/NĐ-CP thì mức ký quỹ đối với:
- Doanh nghiệp: 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng);
- Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh: ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh.
Lưu ý:
- Tiền ký quỹ này sẽ bị phong tỏa trong tài khoản ngân hàng trong suốt quá trình hoạt động xuất khẩu lao động;
- Tài liệu chứng minh đã ký quỹ:
- Hợp đồng ký quỹ;
- Giấy xác nhận ký quỹ.
Điều kiện về người đại diện theo pháp luật
Theo quy định tại điểm c, Điều 10 – Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp cần:
- Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam;
- Trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động;
- Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Không có án tích về một trong các tội:
- tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người;
- tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
- tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;
- tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng;
- tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép;
- tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
- tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Điều kiện về đội ngũ nhân viên
Được quy định tại điểm d – Điều 10 – Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và được hướng dẫn bởi Điều 4 – Nghị định 112/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp hoặc chi nhánh được doanh nghiệp giao nhiệm vụ đưa người Việt ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng phải có ít nhất một nhân viên nghiệp vụ, đáp ứng một trong những điều kiện sau:
- Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhân văn, dịch vụ xã hội, khoa học xã hội và hành vi hoặc kinh doanh và quản lý;
- Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên không thuộc nhóm ngành đào tạo tại điểm a khoản này và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, nhân viên nghiệp vụ phải:
- Có giao kết hợp đồng lao động;
- Tham gia bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội).
Điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động
Theo quy định tại điểm đ – Điều 10 – Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và được hướng dẫn bởi Điều 5 – Nghị định 112/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp hoặc chi nhánh được doanh nghiệp giao nhiệm vụ hoạt động xuất khẩu lao động phải có cơ sở vật chất, tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 học viên tại một thời điểm; có nơi sơ cứu, cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu;
- Phòng học có diện tích tối thiểu 1,4 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập;
- Phòng nội trú có diện tích tối thiểu 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt nội trú; bố trí không quá 12 học viên/phòng; khu vực nội trú bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh.
Lưu ý:
- Trường hợp doanh nghiệp thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 02 năm tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
- Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì quyền sử dụng hợp pháp cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng trong suốt thời gian hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều kiện về trang thông tin điện tử
Doanh nghiệp đăng ký dịch vụ đưa người Việt đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có trang thông tin điện tử, được hướng dẫn tại Điều 6 – Nghị định 112/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Có tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”;
- Đăng tải thông tin cơ bản của doanh nghiệp;
- Đăng tải thêm các thông tin về người đại diện theo pháp luật; danh sách nhân viên nghiệp vụ;
- Đăng tải địa chỉ trụ sở chính, địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
- Đăng tải Quyết định giao nhiệm vụ cho chi nhánh và cập nhật khi có sự thay đổi về những nội dung này;
- Đăng tải văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận về việc chuẩn bị nguồn lao động;
- Đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; danh sách người lao động tham gia chuẩn bị nguồn và được tuyển chọn;
- Đăng hình ảnh Giấy phép sau khi được cấp và nội dung thông tin về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục;
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có thay đổi về thông tin doanh nghiệp phải cập nhật lên trang thông tin điện tử.
THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP VÀ XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Bước 1: Thành lập doanh nghiệp có chức năng đưa người Việt làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng
Các thông tin cần chuẩn bị bao gồm:
- Loại hình doanh nghiệp: Quý khách tham khảo tại Tư vấn chọn loại hình công ty phù hợp với mục đích kinh doanh
- Tên công ty: Việt Luật hỗ trợ tra cứu miễn phí, tham khảo quy định tại Cách đặt tên Doanh nghiệp mới nhất
- Trụ sở: không lấy chung cư làm địa chỉ trụ sở;
- Ngành nghề: Tham khảo thêm tại Cách tra cứu mã ngành nghề kinh doanh
- Vốn điều lệ: tùy thuộc vào khả năng tài chính của chủ doanh nghiệp, tham khảo thêm tại Vốn điều lệ công ty – Những điều cần biết
- Thông tin của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, thành viên, cổ đông: CCCD sao y công chứng
Việt Luật soạn hồ sơ cho quý khách ký tên, nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị thành lập doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên (trường hợp công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh);
- Danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
- Bản sao y chứng thực CCCD của:
- Người đại diện theo pháp luật;
- Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là cá nhân;
- Người đại diện theo ủy quyền (trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức);
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức.
- Giấy ủy quyền cho Việt Luật nộp hồ sơ.
Bước 2: Thực hiện các nghĩa vụ cơ bản sau khi có Giấy phép
Quý khách tham khảo những việc cần làm tại Những việc cần làm sau khi có Giấy phép
Bước 3: Xin cấp Giấy phép lao động
Cơ quan xử lý:
Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ lao động, thương binh và xã hội
Địa chỉ: 41B Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Thành phần hồ sơ:
- Văn bản đề nghị đổi Giấy phép theo Mẫu số 05 Phụ lục I – Nghị định 112/2021/NĐ-CP;
- Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ở bước 1;
- Bản chính giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Bản sao Điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đè nghị cấp giấy phép và giấy tờ chứng minh việc góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
- Sổ đăng ký cổ đông nếu là công ty cổ phần;
- Hồ sơ của người đại diện theo pháp luật bao gồm:
- Bản sao bằng cấp chuyên môn từ đại học trở lên;
- Văn bản xác nhận kinh nghiệm từ 05 năm trở lên trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hoặc dịch vụ việc làm;
- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng trước thời điểm đề nghị cấp phép;
- Danh sách trích ngang nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng kèm theo tài liệu chứng minh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Hợp đồng thuê/mượn hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ sở vật chất để giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Văn bản chứng minh có trang thông tin điện tử.
- Giấy ủy quyền Việt Luật nộp hồ sơ.
Thời gian xử lý:
- Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến của một trong những người có thẩm quyền sau:
- Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thành lập hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đối với doanh nghiệp nhà nước;
- Người ra quyết định thành lập đối với doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính với doanh nghiệp không thuộc 02 trường hợp đã nêu ở trên.
- Trường hợp không cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Lệ phí cấp giấy phép:
5.000.000 VNĐ – Doanh nghiệp nộp lệ phí cấp Giấy phép tại thời điểm nhận Giấy phép.
Lưu ý:
- Không có quy định nào giới hạn về thời hạn của giấy phép xuất khẩu lao động;
- Luật hiện hành không giới hạn số lượng chi nhánh được doanh nghiệp giao nhiệm vụ (luật cũ là 3 chi nhánh). Tuy nhiên, cần lưu ý, mỗi khi mở chi nhánh xuất khẩu lao động thì phải ký quỹ thêm 500.000.000 VNĐ (Năm trăm triệu đồng).
Để được tư vấn rõ hơn về trường hợp của mình, quý khách liên hệ lại theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ.
Hãy gọi cho chúng tôi theo số:
Tổng đài: 028.7777.5678 (30 lines)
Điện thoại di động (Zalo/Viber): 0934234777 – 0938234777 – 0936234777
Email: [email protected]