Điều kiện, thủ tục thành lập công ty nhập khẩu phế liệu để sản xuất

Khi nền kinh tế phát triển, lượng phế liệu thải ra môi trường cũng tăng lên. Điều này tạo ra nhu cầu cần thiết phải thu gom và tái chế phế liệu để bảo vệ môi trường. Nhiều nước đang phát triển đang áp dụng các chính sách khuyến khích tái chế, chẳng hạn như miễn thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp tái chế. Điều này cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu về các công ty phế liệu. Vậy muốn thành lập công ty nhập khẩu phế liệu thì cần chú ý điểm nào? Mời bạn đọc tham khảo trong bài viết dưới đây.

Những điều cần lưu ý khi nhập liệu phế liệu để sản xuất
Những điều cần lưu ý khi nhập liệu phế liệu để sản xuất

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Luật Bảo vệ môi trường 2020;
  • Nghị đinh 08/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường;
  • Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

ĐIỀU KIỆN VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU

Theo quy định tại Điều 71 – Luật bảo vệ môi trường và Điều 45 – Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì việc nhập khẩu phế liệu cần đáp ứng các điều kiện dưới đây:

  1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành. => Tham khảo Danh mục các phế liệu được phép nhập khẩu
  2. Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
  3. Có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu; Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.
  4. Có giấy phép môi trường;
  5. Ký quỹ bảo vệ môi trường trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác => Tham khảo thông tin bên dưới
  6. Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
  7. Điều kiện về kho bãi:
    • Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
      • Có hệ thống thu gom nước mưa riêng; có hệ thống thu gom và xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;
      • Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;
      • Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy; có mái che nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong;
    • Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
      • Có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;
      • Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;
      • Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu.

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU

Bước 1: Đăng ký thực hiện dự án

Tài liệu cần cung cấp:

Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân

  • Bản sao có chứng thực hộ chiếu của nhà đầu tư (đầy đủ các trang)
  • Bản sao kê hợp pháp số dư tài khoản của ngân hàng tối thiểu bằng số vốn đầu tư tại công ty.
  • Hợp đồng thuê văn phòng và các tài liệu khác có liên quan (01 bản).

Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế

  • Giấy phép kinh doanh và Danh sách giám đốc (02 bản)
  • Báo cáo tài chính (có kiểm toán) 2 năm gần nhất hoặc chứng thư ngân hàng (01 bản)
  • Hộ chiếu của người đại diện ủy quyền phần vốn góp tại Việt Nam (03 bản)
  • Đề xuất dự án đầu tư (01 bản)
  • Hợp đồng thuê văn phòng và bản sao có chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nơi thuê (đối với nhà trệt) hoặc giấy tờ chứng minh địa chỉ kinh doanh có chức năng kinh doanh văn phòng (đối với địa chỉ là nhà lầu) (01 bản)

Lưu ý:

  • Tài liệu nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang Tiếng Việt và chứng thực bản dịch.
  • Tài liệu Việt Nam phải được sao y chứng thực.
  • Thông tin và thủ tục trên áp dụng đối với ngành nghề đã được Việt Nam cam kết tại Biểu cam kết WTO.\
  • Đối với Nhà đầu tư là tổ chức có quốc tịch Hồng Kong => Phải có bản Annual Return

Thành phần hồ sơ theo quy định bao gồm

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  • Đề xuất dự án đầu tư, bao gồm các nội dung:
    • Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư;
    • Mục tiêu đầu tư;
    • Quy mô đầu tư;
    • Vốn đầu tư và phương án huy động vốn;
    • Địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện tại địa điểm thực hiện dự án;
    • Nhu cầu về lao động;
    • Đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư;
    • Tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
    • Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có).
  • Văn bản ủy quyền của Nhà đầu tư cho người đại diện nộp hồ sơ.
  • Các tài liệu cần cung cấp như đã nêu tại mục trên.

Sau 15 ngày làm việc => Quý khách sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 

Bước 2: Thành lập doanh nghiệp

thông tin cần cung cấp khi thành lập công ty
Thông tin cần cung cấp khi thành lập công ty

Thông tin cần chuẩn bị

  1. Loại hình doanh nghiệp: công ty TNHH (một thành viên hoặc 2 thành viên trở lên); cổ phần
  2. Tên doanh nghiệp: Việt Luật hỗ trợ tra cứu miễn phí (Tham khảo thêm Cách đặt tên Doanh nghiệp mới nhất)
  3. Trụ sở công ty: có đầy đủ số nhà, 4 cấp hành chính, có số điện thoại liên lạc
  4. Vốn điều lệ: đăng ký theo khả năng tài chính của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông (Tham khảo thêm Vốn điều lệ công ty – Những điều cần biết)
  5. Ngành nghề kinh doanh, tham khảo các mã ngành liên quan đến phế liệu dưới đây:
STT Tên ngành Mã ngành
1 Tái chế phế liệu 3830
2 Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác 9300
3 Bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu

Chi tiết: Bán buôn phế liệu

4669
4 Bán lẻ khác trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp

Chi tiết: Bán lẻ phế liệu

8292

Tài liệu cần chuẩn bị

  1. Đối với cá nhân là chủ sở hữu, thành viên, cổ đông hoặc là người đại diện theo pháp luật
    • Căn cước công dân;
    • Hộ chiếu.
  2. Đối với tổ chức là chủ sở hữu, thành viên, cổ đông
    • Giấy tờ pháp lý;
    • Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền

Thành phần hồ sơ bao gồm

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

  • Đơn đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp công ty TNHH MTV (Phụ lục I-2);
  • Điều lệ công ty.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:

  • Đơn đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp công ty TNHH 2 thành viên trở lên (Phụ lục I-3);
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên (Phụ lục I-6)

Đối với công ty cổ phần:

  • Đơn đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp công ty cổ phần (Phụ lục I-4);
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách cổ đông sáng lập (Phụ lục I-7)

Lưu ý:

  • Đối với trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức => Bổ sung thêm 2 văn bản sau:
    • Văn bản ủy quyền phần vốn góp;
    • Danh sách đại diện theo ủy quyền (Phụ lục I-10).
  • Trường hợp người đại diện theo pháp luật không nộp hồ sơ => Bổ sung thêm “Giấy ủy quyền”.

Nộp trực tuyến tại  Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Bước 3: Thực hiện các việc cần làm sau khi có Giấy phép

Tham khảo chi tiết tại Những việc cần làm sau khi có Giấy phép

Bước 4: Thực hiện đánh giá tác động môi trường

Đánh giá tác động môi trường
Đánh giá tác động môi trường

Đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện. Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường

  • Xuất xứ của dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; căn cứ pháp lý, kỹ thuật; phương pháp đánh giá tác động môi trường và phương pháp khác được sử dụng (nếu có);
  • Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;
  • Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, đa dạng sinh học; đánh giá hiện trạng môi trường; nhận dạng các đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư; thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án đầu tư;
  • Nhận dạng, đánh giá, dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải; tác động đến đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa và yếu tố nhạy cảm khác; tác động do giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có); nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư;
  • Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải;
  • Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;
  • Chương trình quản lý và giám sát môi trường;
  • Kết quả tham vấn;
  • Kết luận, kiến nghị và cam kết của chủ dự án đầu tư.

Nộp hồ sơ thẩm đỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường

Theo quy định tại Điều 34 – Luật Bảo vệ môi trường thì hồ sơ thẩm định BCĐGTĐMT bao gồm:

  • Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
  • Báo cáo đánh giá tác động môi trường;
  • Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư

Nhập khẩu phế liệu thuộc trường hợp có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (nhóm I) nên thời gian thẩm định là không quá 45 ngày, thời gian thẩm định có thể kéo dài theo quyết định của Chính phủ.

Hồ sơ sẽ được nộp tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bước 5: Xin cấp giấy phép môi trường

Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Tài liệu cần cung cấp

Theo quy định tại Điều 42 – Luật Bảo vệ môi trường thì hồ sơ cấp giấy phép môi trường bao gồm:

  • Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;
  • Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở.

Thời điểm nộp hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường

  • Sau khi đã hoàn thành công trình xử lý chất thải cho toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án;
  • Chậm nhất trước 45 ngày tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.

Lệ phí: 50.000.000/Giấy phép

Thời hạn của Giấy phép môi trường đối với việc nhập khẩu phế liệu: 07 năm hoặc có thể ngắn hơn

Thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường: Bộ Tài nguyên và môi trường

Giấy phép bảo vệ môi trường
Giấy phép bảo vệ môi trường

Bước 6: Đánh giá quy chuẩn kỹ thuật môi trườngđối với phế liệu nhập khẩu

Theo quy định tại Điều 46 – Thông tư 02/2022/TT-BTNMT thì doanh nghiệp/tổ chức đăng ký tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký chỉ định tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại Điều 18d Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008.

Bước 7: Ký quỹ bảo vệ môi trường

Thời điểm ký quỹ

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước thời điểm phế liệu dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp khác.

Mức ký quỹ

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau:

  • Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
  • Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
  • Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau:

  • Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
  • Khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
  • Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;

c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Bước 8: Làm thủ tục hải quan

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất khai thông tin, nộp hồ sơ chứng từ điện tử và làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan. Ngoài những hồ sơ theo quy định của pháp luật về hải quan, hồ sơ phế liệu nhập khẩu phải có các tài liệu sau đây:

a) Chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả phế liệu;

b) Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu);

c) Chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu;

d) Văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI.

QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ VIỆT LUẬT ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:

Tòa nhà Số 2 Hoa Phượng, Phường 2, Quận Phú Nhuận, TP.HCM

Điện thoại: 028.7777.5678 (30 lines)

Hotline: 0934 234 777 (Ms Sương) – 0936 234 777 (Mr Mẫn)

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected]

5/5 - (2 bình chọn)