Các doanh nghiệp dù ít hay nhiều đều chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và tới thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo số liệu thống kê tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, trong quý I/2020, tổng số DN tạm ngừng hoạt động trên cả nước là 18.721 (tăng 24.8 % so với tổng số DN tạm ngừng hoạt động cùng kỳ năm 2019).
- Chính thức hoãn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp
- Quá trình hoạt động doanh nghiệp thường gặp những sai phạm nào ?
- Những lưu ý nào về kế toán trưởng mà doanh nghiệp cần phải biết ?
Vấn đề mà hầu hết DN bị ảnh hưởng đang gặp phải là doanh thu không đủ bù chi phí dẫn tới không đủ kinh phí để trả lương cho người lao động, để thực hiện các nghĩa vụ tài chính như thuế, bảo hiểm, lãi suất, nợ ngân hàng,… Trong bối cảnh đó, để giảm bớt gánh nặng cho DN, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, nhà nước cho phép các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng các chính sách sau:
1. Được tạm dừng đóng BHXH
Cụ thể, theo Công văn 797/LĐTBXH-BHXH ngày 09/3/2020, Công văn 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 thì các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được:
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 6/2020. Trường hợp đến hết tháng 6/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị thì sẽ được xem xét tạm dừng đóng đến hết tháng 12/2020.
Hết thời hạn tạm dừng đóng, DN và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng.
DN gặp khó khăn trong trường hợp này được xác định là các DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
2. Được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn
Theo hướng dẫn tại Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 thì DN có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/06/2020. Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và DN còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.
3. Được xem xét miễn, giảm lãi suất ngân hàng
Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2020/TT-NHNN, để được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thì DN phải đáp ứng 02 điều kiện:
– Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19; và
– Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
4. Được vay vốn với lãi suất 0% tại Ngân hàng chính sách xã hội
Theo nội dung hỗ trợ tại Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì:
Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Như vậy, nếu DN gặp khó khăn về tài chính và đáp ứng điều kiện trên thì được hỗ trợ vay vốn với chính sách ưu đãi để thực hiện việc trả lương cho người lao động.
Hy vọng với sự đồng hành của Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành và toàn xã hội, DN sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh và ổn định sản xuất, kinh doanh; giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động.
Thư Viện Pháp Luật.