Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học năm 2022

Ngày này, việc học ngoại ngữ và tin học trở nên quan trọng và cần thiết với mọi đối tượng. Vì lý do đó nên việc các trung tâm ngoại ngữ, tin học được thành lập ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không phải trung tâm ngoại ngữ nào cũng được thành lập hợp pháp. Vậy thủ tục để thành lập trung tâm ngoại ngữ được quy định như thế nào?

Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học năm 2022
Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học năm 2022

Bước 1. Xác định hình thức của trung tâm tin học, ngoại ngữ (TTNN-TH)

Theo Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động của TTNN-TH ban hành kèm theo Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT quy định TTNN-TH gồm có:

– Trung tâm ngoại ngữ, tin học công lập do Nhà nước đầu tư thành lập;

– Trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục do tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư thành lập; và

– Trung tâm ngoại ngữ, tin học có vốn đầu tư nước ngoài do cá nhân, tổ chức kinh tế nước ngoài đầu tư toàn bộ hoặc góp một phần vốn để thành lập.

Do đó, những cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc tổ chức kinh tế, xã hội, xã hội nghề nghiệp được thành lập hợp pháp hoàn toàn có thể tự mình thành lập TTNN-TH để thực hiện hoạt động kinh doanh.

Bước 2. Chuẩn bị và nộp hồ sơ đến người có thẩm quyền để xin cấp quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập TTNN-TH

Cá nhân, tổ chức muốn thành lập TTNN-TH cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ (Theo khoản 2 Điều 47 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP) gồm có:

(1) Tờ trình đề nghị thành lập TTNN-TH;

(2) Đề án thành lập TTNN-TH gồm các nội dung: Tên trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm; chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo; cơ sở vật chất của trung tâm; cơ cấu tổ chức của trung tâm, sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm;

(3) Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của TTNN-TH.

Hồ sơ trên được gửi đến các đối tượng có thẩm quyền thành TTNN-TH theo khoản 1 Điều 47 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP gồm có:

– Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quyết định thành lập TTNN-TH trong khuôn viên nhà trường;

– Người đứng đầu tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được pháp luật cho phép thành lập các trung tâm đào tạo trực thuộc có thẩm quyền quyết định đối với các TTNN-TH trực thuộc;

– Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập các TTNN-TH trực thuộc; cho phép thành lập các TTNN-TH thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường và các trung tâm ngoại ngữ, tin học quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Thời hạn giải quyết:

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thành lập TTNN-TH có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra các điều kiện theo quy định.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập TTNN-TH nêu trên quyết định thành lập, cho phép thành lập nếu đủ điều kiện; nếu chưa quyết định thành lập thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do.

Bước 3. Chuẩn bị và nộp hồ sơ xin cấp phép để TTNN-TH được phép hoạt động giáo dục:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 22 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập TTNN-TH cần chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép hoạt động giáo dục gồm có:

(1) Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục;

(2) Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp;
(3) Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;

(4) Báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm.

Nơi nộp hồ sơ:

– Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: đối với TTNN-TH trực thuộc tổ chức xã hội, nghề nghiệp hoặc các TTNN-TH trực thuộc Sở GD-ĐT, hoặc các TTNN-TH thuộc trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường;
– Giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng: đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động trong khuôn viên của trường.

Thời hạn giải quyết:

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, người có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trung tâm;

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, người có thẩm quyền phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trên thực tế khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định và ghi kết quả vào biên bản thẩm định;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, người có thẩm quyền quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa quyết định cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (1 bình chọn)