Chia, tách doanh nghiệp là hai trong những hình thức tổ chức lại cơ cấu doanh nghiệp sao cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là một trong những vấn đề pháp lý đặt ra đối với những doanh nghiệp có loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Bài viết dưới đây giới thiệu một số vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm khi tiến hành hoạt động chia, tách doanh nghiệp.
I. Khái niệm chia, tách doanh nghiệp
Căn cứ khoản 31 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, chia, tách doanh nghiệp là một trong những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hoạt động chia, tách doanh nghiệp chỉ dành cho loại công ty, và hoạt động này cũng chỉ áp dụng cho các công ty mang tính chất hữu hạn về tài sản, cụ thể là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Ở đây, cần hiểu rằng “chia, tách doanh nghiệp” chính là “chia, tách công ty”.
2 điểm khác biệt cơ bản giữa chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp:
– Khi chia doanh nghiệp, doanh nghiệp bị chia không còn tồn tại, khác với khi tách doanh nghiệp, doanh nghiệp bị tách vẫn tồn tại.
– Khi chia doanh nghiệp, một hay nhiều doanh nghiệp mới có thể lựa chọn bất kỳ loại công ty nào, kể cả công ty hợp danh. Nhưng khi tách doanh nghiệp, các công ty mới chỉ có thể là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
II. Thủ tục chia doanh nghiệp.
1. Trình tự thực hiện:
– Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua nghị quyết, quyết định chia công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Nghị quyết, quyết định chia công ty phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị chia, tên các công ty sẽ thành lập; nguyên tắc, cách thức và thủ tục chia tài sản công ty; phương án sử dụng lao động; cách thức phân chia, thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị chia sang các công ty mới thành lập; nguyên tắc giải quyết nghĩa vụ của công ty bị chia; thời hạn thực hiện chia công ty. Nghị quyết, quyết định chia công ty phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc thông qua nghị quyết;
– Thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới phải kèm theo nghị quyết, quyết định chia công ty
2. Hồ sơ cần chuẩn bị:
Các công ty được chia thuộc loại hình doanh nghiệp nào thì nộp hồ sơ đăng ký thành lập tương ứng với loại hình đó, nhưng phải có kèm theo các giấy tờ sau đây:
– Nghị quyết, quyết định chia công ty
– Văn bản ủy quyền cho người thay mặt doanh nghiệp thực hiện thủ tục nếu không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực; kèm theo là bản sao hợp lệ các giấy tờ cá nhân của người được ủy quyền.
3. Nơi nộp hồ sơ:
Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi các công ty mới đặt trụ sở.
Trường hợp công ty mới có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty bị chia có trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính công ty mới phải thông báo việc đăng ký doanh nghiệp công ty mới cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị chia đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị chia trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
4. Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
III. Thủ tục tách doanh nghiệp.
1. Trình tự thực hiện:
– Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết, quyết định tách công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Nghị quyết, quyết định tách công ty phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách công ty; giá trị tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Nghị quyết, quyết định tách công ty phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc thông qua nghị quyết;
– Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Hồ sơ cần chuẩn bị:
Các công ty được tách thuộc loại hình doanh nghiệp nào thì nộp hồ sơ đăng ký thành lập tương ứng với loại hình đó, nhưng phải có kèm theo các giấy tờ sau đây:
– Nghị quyết, quyết định tách công ty
– Văn bản ủy quyền cho người thay mặt doanh nghiệp thực hiện thủ tục nếu không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực; kèm theo là bản sao hợp lệ các giấy tờ cá nhân của người được ủy quyền.
Công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty được tách, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác. Các công ty được tách đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định tách công ty.
3. Nơi nộp hồ sơ:
Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty mới đặt trụ sở.
4. Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Thư Viện Pháp Luật.