Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập đồng thời chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Nếu là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam muốn thành lập hộ kinh doanh có được hay không?
1. Người nước ngoài có được thành lập hộ kinh doanh tại Việt Nam hay không?
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định đối với hộ kinh doanh như sau:
- Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
- Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định quyền thành lập hộ kinh doanh bao gồm:
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ các trường hợp sau đây:
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008quy định, người được xác định có quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp sau:
- Do sinh ra theo quy định của Luật này;
- Được nhập quốc tịch Việt Nam;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam
- Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Có quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp khác theo quy định của Luật này
Như vậy, theo những quy định trên, điều kiện bắt buộc để thành lập hộ kinh doanh là cá nhân, thành viên hộ gia đình đó phải là công dân Việt Nam. Do đó, người nước ngoài không thể thành lập hộ kinh doanh tại Việt Nam.
2. Ủy quyền hoặc nhập tịch để đăng ký thành lập hộ kinh doanh
– Trường hợp ủy quyền cho người Việt Nam để đăng ký kinh doanh:
Việc ủy quyền này sẽ thông qua hợp đồng ủy quyền theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015. Cụ thể, bên uỷ quyền là người nước ngoài muốn thành lập hộ kinh doanh, còn bên nhận uỷ quyền là công dân Việt Nam có đầy đủ điều kiện thành lập hộ kinh doanh.
Dù trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh là người được uỷ quyền. Nhưng người nước ngoài hoàn toàn có thể là người quản lý và điều hành hộ kinh doanh, hưởng các nguồn thu và lợi nhuận từ hoạt động của hộ kinh doanh đó. Tất cả những nội dung này sẽ được thể hiện trong hợp đồng uỷ quyền.
Như vậy, người nước ngoài không thể thành lập hộ kinh doanh ở Việt Nam nhưng họ có thể ủy quyền cho người có quốc tịch Việt Nam và có quyền điều hành quản lý và hưởng mọi quyền lợi như chủ hộ kinh doanh.
– Thực hiện thủ tục nhập tịch:
Ngoài việc ủy quyền cho cá nhân Việt Nam thành lập hộ kinh doanh, người nước ngoài cũng có thể làm thủ tục nhập tịch theo Mục 2 Chương II Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Tuy nhiên, phải đáp ứng các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam tại Điều 7 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, gồm:
- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.
- Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
- Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Trừ các trường hợp được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam tại Điều 8 Nghị định 16/2020/NĐ-CP.
Thư Viện Pháp Luật.