Những quyền nào thành viên hợp danh bị hạn chế ?

Công ty hợp danh là một loại hình công ty đối nhân, được thành lập trên cơ sở sự tin cậy, tín nhiệm giữa các thành viên và pháp luật có những quy định hạn chế quyền nào đối với thành viên hợp danh ?

Những quyền nào thành viên hợp danh bị hạn chế ?
Những quyền nào thành viên hợp danh bị hạn chế ?

1. Khái quát về công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp, trong đó có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Thành viên hợp danh phải là cá nhân, ngoài thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.

Về chế độ chịu trách nhiệm tài sản của các loại hình thành viên trong công ty hợp danh:

– Thành viên hợp danh: chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới chịu trách nhiệm của các thành viên hợp danh đối với hoạt động kinh doanh và khoản nợ của công ty.

– Thành viên góp vốn: chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ và khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (trách nhiệm hữu hạn).

2. Những hạn chế về quyền của thành viên hợp danh

Theo quy định tại Điều 175 của Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên hợp danh bị hạn chế một số quyền sau đây:

Thứ nhất, thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (trách nhiệm vô hạn) theo quy định tại Khoản 1 Điều 183 của Luật Doanh nghiệp 2014. Trong khi đó, thành viên hợp danh của công ty hợp danh cũng phải chịu trách nhiệm tài sản vô hạn về các nghĩa vụ của công ty hợp danh.

Do đó, việc một thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn ở hai nơi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các thành viên hợp danh khác.Vì vậy, pháp luật không cho phép một cá nhân được làm thành viên hợp danh của hai công ty hợp danh hoặc thành viên hợp danh được làm chủ doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, pháp luật cũng tôn trọng sự thỏa thuận của các bên; do vậy, nếu được sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại thì thành viên hợp danh đó vẫn có thể làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác.

Thứ hai, thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Là công ty được thành lập trên cơ sở sự tin cậy, tính nhiệm của các thành viên, uy tín công ty hợp danh gắn liền với thành viên hợp danh. Vì vậy, pháp luật hạn chế “Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác” để tránh ảnh hưởng đến uy tín của công ty hợp danh.

Thứ ba, thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

Vì mang bản chất đối nhân, thành lập trên cơ sở sự tin cậy, tín nhiệm giữa các thành viên hợp danh của công ty hợp danh nên việc các thành viên hợp danh chuyển nhượng một phần vốn góp hay toàn bộ vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác là không hợp lý.

Tuy nhiên, pháp luật cũng tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, do vậy, nếu được sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại thì họ mới được thực hiện những điều mà pháp luật hạn chế quyền của thành viên hợp danh này.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (1 bình chọn)