Người có liên quan trong Công ty Cổ phần có được giao dịch ?

Với những giao dịch với người có liên quan có nguy cơ gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông trong công ty Cổ phần. Nên khi giao dịch với những trường hợp này cần phải chú ý tuân thủ đúng quy định. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến độc giả những Quy định về giao dịch với người có liên quan quan trong Công ty Cổ phần.

Người có liên quan trong Công ty Cổ phần có được giao dịch ?
Người có liên quan trong Công ty Cổ phần có được giao dịch ?

1. Những trường hợp được xem là giao dịch giữa công ty và người có liên quan

Theo quy định tại khoản 1 điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020 thì những giao dịch giữa công ty với những trường hợp sau sẽ được xem là giao dịch giữa công ty với người có liên quan và buộc phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:

  • Giao dịch giữa công ty với cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;
  • Giao dịch giữa công ty với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
  • Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật này.

Trong đó, người có liên quan của họ được quy định ở trên có thể hiểu theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu.

2. Những giao dịch có liên quan thuộc thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng quản trị

Tại khoản 2 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng quản trị như sau:

Những giao dịch, hợp đồng thuộc trường hợp đã nếu tại mục 1 nếu có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty thì thuộc thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng quản trị.

Nếu giao dịch, hợp đồng thuộc các trường hợp giao dịch với người có liên quan đã nêu trên thì người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch có trách nhiệm phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.

3. Những giao dịch có liên quan thuộc thẩm quyền chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông

Tại khoản 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định những trường hợp giao dịch với người có liên quan phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận gồm:

Trừ những hợp đồng, giao dịch đã thuộc thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng quản trị thì những giao dịch, hợp đồng của công ty với người có liên quan sẽ thuộc thẩm quyền chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.

Nếu giao dịch, hợp đồng thuộc các trường hợp giao dịch với người có liên quan đã nêu trên  thì người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Những cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch thuộc trường hợp trên không có quyền biểu quyết.

4. Hậu quả pháp lý khi không tuân thủ quy định đới với các giao dịch với người có liên quan

Theo khoản 4 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020, những giao dịch với người liên quan sẽ có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu và xử lý theo quy định pháp luật nếu không thực hiện các chấp thuận giao dịch, hợp đồng như đã nếu trên.

Những người ký kết hợp đồng, giao dịch, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.

Vì vây, khi giao dịch, hợp đồng các công ty cổ phần, người đại diện ký kết cần lưu ý đối tượng giao dịch có thuộc các trường hợp giao dịch với người có liên quan hay không. Để từ đó, thực hiện các quy định cho phù hợp.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (2 bình chọn)