Vào ngày 16/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn, kinh doanh bảo hiểm,…
Theo đó, Đối với trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì được giải quyết theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết để xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng các quy định về xử phạt quy định tại Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm.
Đối với hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã được cơ quan thuế tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn để giải quyết theo quy định.
Đồng thời, Nghị định 102/2021 cũng bổ sung thêm trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế cũng sẽ bị xử phạt tiền từ 04 – 08 triệu đồng.
Ngoài ra, việc miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Nghị định 102 cũng quy định mức miễn, giảm tiền phạt tối đa được xác định bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.