Khởi nghiệp cần quan tâm những vấn đề pháp lý nào ?

Thời gian qua, câu chuyện khởi nghiệp được nhiều người quan tâm. Thế nhưng, nhiều người lại không am hiểu các quy định pháp lý cần có khi khởi nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật.

Khởi nghiệp cần quan tâm những vấn đề pháp lý nào ?
Khởi nghiệp cần quan tâm những vấn đề pháp lý nào ?

Start-up là gì?

Start-up có thể hiểu là bắt đầu một công việc, dự án kinh doanh, thường được gọi là “khởi nghiệp”.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về Start-up. Tuy nhiên, việc phát triển ý tưởng mô hình kinh doanh thường phải gắn liền với việc thành lập doanh nghiệp. Start-up có thể hiểu là bắt đầu một công việc, dự án kinh doanh, thường được gọi là “khởi nghiệp”. Khởi nghiệp là thuật ngữ chỉ một người, một nhóm người, một tổ chức đang trong giai đoạn chuẩn bị và bắt đầu kinh doanh.

Bên cạnh đó, Điều 3 Nghị định 94/2020/NĐ-CP cũng quy định về “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” như sau:

2. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Như vậy, có thể hiểu Start-up là các doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Hiện nay, các nhà làm luật thường xếp Start-up thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những vấn đề pháp lý Start-up cần biết:

1. Đăng ký kinh doanh

Lựa chọn loại hình doanh nghiệp:

Các nhà Start-up cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp để bắt đầu khởi nghiệp. Hiện nay có các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh. Mỗi loại hình đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó, các nhà khởi nghiệp cần tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để xác định và lựa chọn loại hình phù hợp với định hướng phát triển cho Start-up của mình.

Chọn tên doanh nghiệp:

Tên doanh nghiệp sẽ định hình thương hiệu nên các nhà Start-up cần phải lựa chọn kỹ trước khi quyết định đặt tên. Một số lưu ý khi đặt tên như sau:

  • Không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký
  • Doanh nghiệp không bắt buộc phải có tên viết tắt;
  • Tên viết tắt của doanh nghiệp phải được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài
  • Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Chọn ngành nghề kinh doanh:

Khi tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp, các Start-up cần phải lựa chọn ngành nghề kinh doanh cụ thể cho doanh nghiệp của mình. Ngành nghề kinh doanh có thể thay thế trong quá trình hoạt động và được pháp luật quy định, hướng dẫn cũng như điều chỉnh cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Khi lựa chọn và đăng ký ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp căn cứ theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Khi kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp ghi nội dung mã ngành, nghề kinh tế cấp bốn.

Trụ sở và địa điểm kinh doanh:

Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Một số lưu ý khi lựa chọn trụ sở:

  • Nên lựa chọn trụ sở chính công ty ổn định lâu dài.
  • Địa chỉ rõ ràng và có đủ giấy tờ liên quan.
  • Không được đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể.
  • Địa chỉ đáp ứng các điều kiện để kinh doanh.
  • Lựa chọn địa chỉ trụ sở chính cũng quyết định cơ quan quản lý thuế trực tiếp doanh nghiệp.

Xác định số vốn điều lệ:

Số vốn điều lệ không bắt buộc tối thiểu là bao nhiêu, ngoại trừ những ngành nghề yêu cầu phải có vốn pháp định. Tuy nhiên, vốn điều lệ liên quan đến năng lực tài chính của doanh nghiệp nên các Start-up cần cân nhắc số vốn khi đăng ký.

Ngoài ra, sau khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tiến hành một số thủ tục cần thiết để chính thức đi vào hoạt động.

2. Các vấn đề về sở hữu trí tuệ

Với đặc thù là sự sáng tạo, mới mẻ trong sản phẩm và hoạt động kinh doanh, sản xuất nên quyền sở hữu trí tuệ như vấn đề sống còn của các start-up. Để tránh bị ăn cắp hay tranh chấp bản quyền trong tương lai, với các sản phẩm sáng tạo (logo, nhãn hiệu, ý tưởng kinh doanh), Start-up cần phải đăng ký các thủ tục như đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, nếu các sản phẩm được tạo ra bởi bên thứ ba (công ty thiết kế, nhân viên công ty,…), Start-up phải làm ra một thỏa thuận bằng văn bản về chủ sở hữu cũng như các chính sách bảo mật để tránh bị ăn cắp bản quyền.

Nếu vướng vào những tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ khi ý tưởng kinh doanh đã lớn mạnh chắc chắn là thiệt hại rất lớn. Vì vậy, các vấn đề về sở hữu trí tuệ nên được chuẩn bị từ trước.

3. Các thỏa thuận nội bộ

Đụng chạm đến quyền lợi, trách nhiệm của các thành viên trong dự án luôn gây những bất đồng nội bộ nếu không có những thỏa thuận bằng văn bản trước đó. Thay vì thỏa thuận bằng miệng, các thành viên cần có những thống nhất bằng văn bản trên tinh thần công bằng – tự nguyện – thống nhất – cùng có lợi về các nội dung như góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích… .

Ngoài ra, điều này cũng áp dụng với việc xây dựng pháp lý nội bộ, pháp lý với người lao động và pháp lý với đối tác như Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Hợp đồng lao động, Hợp đồng kinh doanh thương mại…

Chỉ khi nào hoàn thiện các vấn đề pháp lý thì các nhà khởi nghiệp mới có thể yên tâm thực hiện ý tưởng kinh doanh, tập trung vào vấn đề sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp của mình. Vì nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian… thậm chí có thể dễ đến sự thất bại trong khởi nghiệp.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (1 bình chọn)