Trên thực tế tồn tại một số doanh nghiệp được thành lập nhưng không hoạt động. Thành lập doanh nghiệp mới nhưng không hoạt động sẽ được xử lý như thế nào?
1.Xử lý doanh nghiệp không hoạt động
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản pháp luật liên quan không quy định rõ doanh nghiệp sau khi thành lập phải đi vào hoạt động ngay.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
– Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này thành lập;
– Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
– Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
– Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
Do đó, doanh nghiệp có thể sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu không hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế và doanh nghiệp không hoạt động sau khi thành lập cũng thuộc trường hợp này.
Bên cạnh đó, ngoài việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp đó còn bị xử phạt hành chính do không làm thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh theo Điều 32 Nghị định 50/2016/NĐ-CP. Mức xử phạt được quy định cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng đối với các trường hợp không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời Điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh; Đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
2. Tạm ngừng kinh doanh
Tạm ngừng kinh doanh là một trong các quyền của doanh nghiệp khi mà có vấn đề xảy ra trong mô hình hoạt động của họ hoặc kinh doanh không hiệu quả.
Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ:
Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
Theo đó thì doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh, thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
3.Thủ tục tạm ngừng kinh doanh
Căn cứ theo khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh chậm nhất không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế.
Như vậy, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh. Việc gửi thông báo cho cơ quan thuế là trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh (không phải của doanh nghiệp).
Thư Viện Pháp Luật.