Để được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% thì cần làm gì?

Không ít doanh nghiệp và cá nhân vẫn còn lúng túng khi thực hiện việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân mặc đầu Thông tư 111/2013/TT-BTC đã có hướng dẫn chi tiết về những trường hợp thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% trước khi trả thu nhập.

Để được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% thì cần làm gì?
Để được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% thì cần làm gì?

Trong phạm vi bài viết , “Khấu trừ thuế thu nhập cá nhân” (sau đây gọi tắt là “TNCN”) là việc doanh nghiệp thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của cá nhân trước khi trả thu nhập cho họ; Và, thu nhập được tính trừ là thu nhập từ tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác.

Điểm i Khoản 1 Điều 25 của Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn như sau:

Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

1. Khấu trừ thuế

i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.[…]”

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trước khi trả thu nhập đối với những trường hợp sau:

1. Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là “HĐLĐ”) dưới 03 tháng với doanh nghiệp và có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên.

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật Lao động 2019, HĐLĐ bao gồm: HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn,

Như vậy, trong trường hợp cá nhân cư trú ký HĐLĐ theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng thì doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trước khi trả thu nhập.

2. Cá nhân cư trú làm việc cho doanh nghiệp nhưng không ký HĐLĐ và có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên.

Cá nhân làm việc cho doanh nghiệp nhưng không ký HĐLĐ là thuộc một trong hai tình huống sau đây: (i) Đôi bên có quan hệ lao động nhưng không ký HĐLĐ; hoặc, (ii) Đôi bên có quan hệ dịch vụ chứ không phải quan hệ lao động.

2.1 Trường hợp đôi bên có quan hệ lao động nhưng không ký HĐLĐ:

Đôi bên có quan hệ lao động nhưng không ký HĐLĐ bao gồm những tình huống như: Đôi bên đang giao kết hợp đồng thử việc; hoặc, đôi bên giao kết HĐLĐ có thời hạn dưới 03 tháng

2.2 Trường hợp đôi bên có quan hệ dịch vụ chứ không phải quan hệ lao động:

Quan hệ dịch vụ giữa đôi bên được thể hiện thông qua Hợp đồng dịch vụ; hoặc, thậm chí là Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng cộng tác viên.

Trong mối quan hệ dịch vụ, nếu cá nhân có đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp không khấu trừ thuế TNCN. Cá nhân đó sẽ tự khai nộp thuế TNCN, thuế Giá trị gia tăng theo hướng dẫn tại Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Ngược lại, nếu cá nhân không đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% khi chi trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên.

Lưu ý: Trong trường hợp cá nhân thuộc đối tượng khấu trừ thuế 10% mà chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập và ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì có thể làm Bản cam kết (mẫu số 02/CK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC) gửi doanh nghiệp trả thu nhập để doanh nghiệp trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Căn cứ vào cam kết này, doanh nghiệp trả thu nhập không khấu trừ thuế. Tại thời điểm làm cam kết, cá nhân phải có mã số thuế.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (1 bình chọn)