Để được giảm thuế GTGT cần lập hóa đơn với hàng hóa, dịch vụ như thế nào?

Ngày 29/10/20210, Tổng cục thuế ban hành Công văn 4153/TCT-CS năm 2021 triển khai Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15.

Để được giảm thuế GTGT cần lập hóa đơn với hàng hóa, dịch vụ như thế nào?
Để được giảm thuế GTGT cần lập hóa đơn với hàng hóa, dịch vụ như thế nào?

Theo đó, về việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT được hướng dẫn như sau:

Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện giảm thuế GTGT như sau:

– Đối với doanh nghiệp, tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 92, khi lập hóa đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%”; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

– Đối với doanh nghiệp, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định 92, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ để tính thuế giá trị gia tăng.

Căn cứ quy định trên, Tổng cục Thuế hướng dẫn ví dụ về lập hóa đơn như sau:

Ví dụ 1:

Công ty A, là doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, cung cấp dịch vụ vận tải cho Công ty B theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, giá tính thuế là 20.000.000 đồng. Dịch vụ vận tải áp dụng thuế suất 10% và thuộc đối tượng được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ngày 15/11/2021, Công ty A cung cấp dịch vụ vận tải cho Công ty B thì khi lập hóa đơn GTGT giao cho Công ty B, Công ty A ghi như sau:

Tại cột “Hàng hóa, dịch vụ” ghi: “Dịch vụ vận tải”

Giá bán ghi: 20.000.000 đồng

Thuế suất thuế GTGT ghi: “10% x 70%”

Tiền thuế GTGT ghi: “1.400.000 đồng”

Tổng giá thanh toán: “21.400.000 đồng”.

Căn cứ hóa đơn GTGT, Công ty A kê khai thuế GTGT đầu ra, Công ty B kê khai khấu trừ thuế GTGT theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn là 1.400.000đ.

Ví dụ 2:

Tổ chức X, là đơn vị tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách hàng Y trong 02 ngày của tháng 11/2021 với giá phòng niêm yết là 1.500.000 đồng/ngày. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ Tài chính, dịch vụ lưu trú áp dụng mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu là 5%. Trong thời gian được giảm thuế GTGT  tổ chức X tính số thuế GTGT được giảm và lập hóa đơn bán hàng giao cho khách hàng Y như sau:

Tại cột “Hàng hóa, dịch vụ” ghi: “Dịch vụ lưu trú”

Tại cột “Thành tiền” ghi: “3.000.000 đồng” (1.500.000 đồng x 2)

Tính số thuế GTGT được giảm: 3.000.000 x 5% x 30% = 45.000 đồng

Tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” (là số tiền người mua phải thanh toán cho người bán) ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ % trên doanh thu là “2.955.000 đồng”, đồng thời ghi chú: “đã giảm 45.000 đồng, tương ứng 30% mức tỷ lệ % trên doanh thu theo NQ 406/NQ-UBTVQH15”.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (1 bình chọn)