Đầu tư ra nước ngoài cần thủ tục gì để được chấp thuận của Quốc hội?

Nhà đầu tư khi thưc hiện đầu tư ra nước ngoài phải tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần tiến hành thủ tục gì để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài ?

Chủ trương đầu tư ra nước ngoài cần thủ tục gì để được chấp thuận của Quốc hội?
Chủ trương đầu tư ra nước ngoài cần thủ tục gì để được chấp thuận của Quốc hội?

1. Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội

Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Đầu tư 2020, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:

– Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;

– Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

2. Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội

Hồ sơ cần chuẩn bị

Căn cứ Điều 75 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài được bao gồm:

(1) Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

(2) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

(3) Đề xuất dự án đầu tư;

(4) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:

– Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;

– Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;

– Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;

– Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;

– Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

(5) Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ (nộp kèm theo văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận số dư tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư) hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;

(6) Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư không phải là doanh nghiệp nhà nước;

(7) Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có);

(8) Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư (thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ);

(9) Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 73 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

(10) Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài quy định cụ thể tại Điều 74 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

(11) Báo cáo về việc cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay (nếu có);

(12) Tài liệu xác định việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh đối với trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài có nội dung nhà đầu tư bảo lãnh cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay để thực hiện dự án đầu tư;

(13) Các tài liệu khác có liên quan.

Nơi nộp hồ sơ:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thời hạn giải quyết

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước;

– Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Chính phủ;

– Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội;

– Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (1 bình chọn)