Chủ tịch HĐQT bị bắt tạm giam thì công ty Cổ phần cần làm gì ?

Hiện nay, dư luận đang xôn xao về việc Chủ tịch HĐQT của một Tập đoàn lớn bị bắt tạm giam. Vậy doanh nghiệp cần thực hiện những thủ tục gì trong trường hợp này ?

Chủ tịch HĐQT bị bắt tạm giam thì công ty Cổ phần cần làm gì ?
Chủ tịch HĐQT bị bắt tạm giam thì công ty Cổ phần cần làm gì ?

Nếu Chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần (niêm yết) bị bắt tạm giam, doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện một số công việc quản trị sau đây:

1. Thực hiện công bố thông tin bất thường

Theo điểm n khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra sự kiện: Khi nhận được quyết định khởi tố đối với người nội bộ của công ty; tạm giam, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nội bộ của công ty.

Trong đó, người nội bộ của công ty được quy định theo khoản 45 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 như sau: Người nội bộ là người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy quản trị, điều hành của doanh nghiệp như:

  • Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
  • Thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên;
  • Người đại diện theo pháp luật;
  • Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc); Giám đốc tài chính;
  • Kế toán trưởng và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm;
  • Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), thành viên Ban kiểm toán nội bộ;
  • Thư ký công ty, người phụ trách quản trị công ty; và
  • Người được ủy quyền công bố thông tin;

Các phương tiện báo cáo, công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 96/2020/TT-BTC bao gồm:

  • Trang thông tin điện tử (website) của tổ chức là đối tượng công bố thông tin;
  • Hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
  • Trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán, phương tiện công bố thông tin khác theo Quy chế của Sở giao dịch chứng khoán;
  • Trang thông tin điện tử của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
  • Các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định pháp luật (báo in, báo điện tử,…).

2. Thực hiện bầu Chủ tịch HĐQT mới thay thế

Theo khoản 4 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

  • Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì phải ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty.
  • Trường hợp không có người được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị.

Như vậy, theo quy định nêu trên khi Chủ tịch HĐQT bị tạm giam thì các thành viên còn lại sẽ bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch HĐQT theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của HĐQT.

Lưu ý: Trước đây, theo Luật Doanh nghiệp 2014 (tại khoản 4 Điều 152) quy định trường hợp Chủ tịch HĐQT bị tạm giam mà không có người được ủy quyền thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ từ “tạm thời” và công nhận người mới được bầu sẽ chính thức giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Bên cạnh đó, theo điểm l khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định khi công ty thay đổi, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại, bãi nhiệm người nội bộ; nhận được đơn xin từ chức của người nội bộ (công ty cần nêu rõ về thời điểm hiệu lực theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty) thì phải thực hiện công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra sự thay đổi Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, công ty phải gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Bản cung cấp thông tin của người nội bộ mới theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Thư Viện Pháp Luật.

 

5/5 - (2 bình chọn)