Báo cáo tài chính 2024 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chót nộp là khi nào?

Hạn chót nộp báo cáo tài chính 2024 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là khi nào?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 80 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định:

Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính

1. Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính:
a) Tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.
b) Ngoài việc lập báo cáo tài chính năm, các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng, quý để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.

Năm tài chính theo năm dương lịch 2023 của doanh nghiệp từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2023 là 30/3/2024.

Do ngày 30, 31/3/2024 là (ngày nghỉ) nên hạn nộp báo cáo tài chính năm 2023 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo là ngày 01/4/2024 (Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 148 Bộ luật Dân sự 2015 )

Lưu ý: Đối với các hồ sơ thuế điện tử thì dù thời hạn nộp hồ sơ thuế rơi vào ngày nghỉ theo Điều 86 Thông tư 80/2021/TT-BTC thì thực hiện theo đúng quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tại Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 (Trừ trường hợp có quy định cụ thể của cơ quan thuế)

Báo cáo tài chính 2024 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chót nộp là khi nào?
Báo cáo tài chính 2024 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chót nộp là khi nào?

Mức phạt chậm nộp báo cáo tài chính 2024 như thế nào?

Căn cứ Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP có quy định như sau:

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;
b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;
c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;
d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;
đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.

Theo đó, nếu chậm nộp báo cáo tài chính thì tùy vào số ngày chậm nộp mà mức xử phạt có thể là 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp chậm dưới 03 tháng. Mức xử phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp chậm từ 03 tháng trở lên.

Lưu ý: Mức phạt này được áp dụng đối với với tổ chức, cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 tổ chức (theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP).

Sau khi nộp báo cáo tài chính doanh nghiệp cần làm gì?

Tại Điều 32 Luật Kế toán 2015 quy định về hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính như sau:

Hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính

1. Việc công khai báo cáo tài chính được thực hiện theo một hoặc một số hình thức sau đây:

a) Phát hành ấn phẩm;
b) Thông báo bằng văn bản;
c) Niêm yết;
d) Đăng tải trên trang thông tin điện tử;
đ) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

2. Hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính của đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị kế toán có sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp báo cáo tài chính.

4. Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Trường hợp pháp luật về chứng khoán, tín dụng, bảo hiểm có quy định cụ thể về hình thức, thời hạn công khai báo cáo tài chính khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đó.

Như vây theo quy định nêu trên thì sau khi nộp báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp cần phải thực hiện công khai báo cáo tài chính trong thời hạn được quy định trên đây. Doanh nghiệp có thể công khai báo cáo tài chính theo một hoặc một số hình thức sau:

– Phát hành ấn phẩm;

– Thông báo bằng văn bản;

– Niêm yết;

– Đăng tải trên trang thông tin điện tử;

– Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Nếu như doanh nghiệp không thực hiện công khai báo cáo tài chính năm hoặc thực hiện công khai trễ thì cũng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000;

– Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

– Không công khai báo cáo tài chính theo quy định: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (4 bình chọn)