Trong thời đại hiện nay, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng tăng cao, đặc biệt là trong các thành phố lớn. Xe ô tô đã trở thành một phương tiện không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu này. Với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường, ngành vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô đang có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này cần phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng bằng cách cải thiện dịch vụ, tối ưu hóa chi phí và đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa được vận chuyển trên xe. Ngoài ra, đây là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, hiểu được vướng mắc đó, bài viết dưới đây Việt Luật xin gửi đến quý bạn đọc bài những quy định cần lưu ý trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
KHÁI NIỆM VỀ KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ
Cơ sở pháp lý
Khoản 2 – Điều 3 – Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Nội dung
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ
Cơ sở pháp lý
- Điều 13 – Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- Nghị định 47/2022 – NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Nội dung
- Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất);
- Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất);
- Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất);
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;
- Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất);
- Phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
- Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
- Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
Lưu ý: Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI HÀNG HÓA BẰNG XE Ô TÔ
Cơ sở pháp lý
Điều 13 – Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Nội dung
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
- Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
- Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
ĐIỀU KIỆN NGƯỜI TRỰC TIẾP ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI
- Theo quy định tại Khoản 7 – Điều 36 – Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải phải đáp ứng quy định tại điểm d – Khoản 1 – Điều 67 – Luật giao thông đường bộ 2008, cụ thể:
Điều 67. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:
Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải
- Ngoài ra, theo quy định tại mục 1 – Công văn 4171/BGTVT-VT ban hành ngày 23/4/2020 hướng dẫn triển khai thực hiện một số nội dung liên quan quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP theo đó:
Theo đó, trình độ chuyên môn về vận tải của Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã được thống nhất thực hiện như sau: “Người có trình độ chuyên môn về vận tải là người có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải trở lên”.
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN
Cơ sở pháp lý
Điều 15 – Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Khái niệm
Hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa (bằng văn bản giấy hoặc điện tử) là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng; theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách hoặc người thuê vận tải phải thanh toán cước phí vận chuyển.
Nội dung
Hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung tối thiểu sau:
- Thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng: Tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, người đại diện ký hợp đồng;
- Thông tin về lái xe: Họ và tên, số điện thoại;
- Thông tin về hành khách hoặc người thuê vận tải (tổ chức hoặc cá nhân): Tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế (nếu có);
- Thông tin về xe: Biển kiểm soát xe và sức chứa (trọng tải);
- Thông tin về thực hiện hợp đồng: Thời gian bắt đầu thực hiện và kết thúc hợp đồng (ngày, giờ); địa chỉ điểm đầu, địa chỉ điểm cuối và các điểm đón, trả khách (hoặc xếp, dỡ hàng hóa) trên hành trình vận chuyển; cự ly của hành trình vận chuyển (km); số lượng khách (hoặc khối lượng hàng hóa vận chuyển);
- Thông tin về giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;
- Quy định về trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện hợp đồng vận chuyển, trong đó thể hiện việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; quyền, nghĩa vụ của bên vận chuyển, hành khách hoặc người thuê vận tải; số điện thoại liên hệ tiếp nhận giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo của hành khách; cam kết trách nhiệm thực hiện hợp đồng và quy định về đền bù thiệt hại cho người thuê vận tải, hành khách.
THỦ TỤC, TRÌNH TỰ THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH VẬN TẢI
Bước 1: Thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể
Quý khách tham khảo tại: Thành lập công ty kinh doanh vận tải
Quý khách tham khảo tại: Thành lập hộ kinh doanh cá thể
Bước 2: Xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Cơ quan có thẩm quyền:
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp hoặc hộ cá thể đặt trụ sở.
Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Cơ sở pháp lý:
Điều 18 – Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Thành phần hồ sơ:
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I;
- Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;
- Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).
Đối với hộ kinh doanh cá thể:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trình tự xử lý:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Bước 3: Xin cấp phù hiệu, biển hiệu
- Tại một thời điểm, mỗi xe chỉ được cấp và sử dụng một loại phù hiệu hoặc biển hiệu tương ứng với một loại hình kinh doanh vận tải;
- Xe ô tô có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ” được vận chuyển công-ten- nơ và hàng hóa khác. Xe có phù hiệu “XE TẢI” hoặc “XE ĐẦU KÉO” không được vận chuyển công-ten-nơ;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định được Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến cấp phù hiệu xe ô tô trung chuyển.
Cơ quan có thẩm quyền:
Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho đơn vị
Hình thức nộp hồ sơ:
Trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải
Thời hạn của phù hiệu:
- Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện;
- Phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong các dịp Tết Nguyên đán có giá trị không quá 30 ngày; các dịp Lễ, Tết dương lịch và các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng có giá trị không quá 10 ngày.
Kích thước tối thiểu của phù hiệu là 9x10cm
Thành phần hồ sơ xin cấp phù hiệu:
- Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục V;
- Bản sao giấy đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký;
- Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Thời gian xử lý:
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp phù hiệu thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải;
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Quý khách tham khảo thêm: Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.
Để được tư vấn rõ hơn về trường hợp của mình, quý khách liên hệ lại theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ.
Hãy gọi cho chúng tôi theo số:
Tổng đài: 028.7777.5678 (30 lines)
Điện thoại di động (Zalo/Viber): 0934234777 – 0938234777 – 0936234777
Email: [email protected]