Doanh nghiệp cần thực hiện những công việc quan trọng nào liên quan đến nhân sự, kế toán trong tháng 11/2022 này ?
Doanh nghiệp cần thực hiện những công việc về nhân sự, kế toán sau đây trong tháng 11/2022:
1. Kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Trường hợp thuộc diện khai thuế GTGT theo tháng, doanh nghiệp sẽ phải gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp tờ khai thuế GTGT. Cụ thể như sau:
Tờ khai thuế GTGT theo tháng
Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, tờ khai thuế GTGT áp dụng theo các mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
– Mẫu 01/GTGT: đối với phương pháp khấu trừ (trừ trường hợp có dự án thuộc diện hoán thuế hoặc có hoạt động xây dựng);
– Mẫu 02/GTGT: đối với phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế;
– Mẫu 05/GTGT: đối với phương pháp khấu trừ có hoạt động xây dựng;
– Mẫu 03/GTGT: đối với phương pháp trực tiếp trên GTGT (áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý);
– Mẫu 04/GTGT: đối với phương pháp trực tiếp trên doanh thu.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, tiền thuế
Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT (điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019).
Ngày 20/11/2022 rơi vào ngày Chủ nhật, do đó hạn chót để doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế và tiền thuế GTGT cho tháng 10 là ngày 21/11/2022.
2. Kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân
Doanh nghiệp sẽ phải kê khai và nộp tiền thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) trong tháng 11 tới trong trường hợp có phát sinh việc chi trả tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập chịu thuế TNCN khác trong tháng 10 cho người lao động (kể cả trường hợp doanh nghiệp không phát sinh khấu trừ thuế TNCN).
Lưu ý: Doanh nghiệp chưa cần nộp hồ sơ khai thuế TNCN trong tháng 11 nếu thuộc diện khai thuế GTGT theo quý và cũng lựa chọn khai thuế TNCN theo quý.
(Căn cứ Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
Hồ sơ khai thuế
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo Mẫu số 05/KK-TNCN (quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và tiền thuế: Chậm nhất là vào ngày 20/11/2022.
Tuy nhiên như đã đề cập bên trên, ngày cuối cùng của thời hạn là ngày Chủ nhật nên nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của Cơ quan thuế thì hạn chót là ngày 21/11/2022.
3. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
Trong trường hợp hệ thống cấp mã của cơ quan thuế gặp sự cố dẫn đến doanh nghiệp không sử dụng được hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trong thời gian Cơ quan thuế chưa khắc phục được sự cố thì có giải pháp bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in cho doanh nghiệp để sử dụng.
Sau khi hệ thống được khắc phục, doanh nghiệp sẽ phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn giấy đã mua của cơ quan thuế (theo Mẫu số BC26/HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP) chậm nhất là 02 ngày làm việc kể từ thời hạn ghi trên thông báo của Cơ quan thuế.
4. Thông báo tình hình biến động lao động (nếu có)
Trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp có tăng hoặc giảm số lượng lao động trong tháng 10 thì phải gửi thông báo tình hình biến động lao động (theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở chính trước ngày 03/11/2022.
Theo đó, trong trường hợp số lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp trong tháng 10 không thay đổi thì doanh nghiệp không cần tiến hành thủ tục thông báo nêu trên.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở trong tháng 11 nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đối với doanh nghiệp mới thành lập trong tháng 10: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp phải phải thông báo về số lao động làm việc tại doanh nghiệp theo Mẫu số 28 (ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
– Trường hợp doanh nghiệp giảm từ 50 lao động trở lên trong tháng 11 thì phải thông báo ngay để được trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
(Căn cứ Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
5. Trích nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tháng 11/2022
Tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho tháng 10 phải được doanh nghiệp trích nộp như sau:
– Doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp) phải trích tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN.
– Đối với mức trích nộp tiền đóng các loại bảo hiểm nêu trên, doanh nghiệp tham khảo hướng dẫn cụ thể tại Mức đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, TNLĐ-BNN từ ngày 01/10/2022.
– Thời hạn trích nộp tiền đóng bảo hiểm chậm nhất ngày cuối cùng của tháng, cụ thể là Thứ Tư ngày 30/11/2022.
(Căn cứ Điều 7, Điều 17 và Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017).
6. Doanh nghiệp phải trích nộp kinh phí công đoàn cho tháng 11/2022
Kinh phí công đoàn tháng 11/2022 được trích nộp như sau:
– Mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
Trong đó, quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH.
– Kinh phí công đoàn phải được trích đóng một lần vào mỗi tháng, hạn chót đóng là vào ngày cuối cùng của tháng.
Như vậy, doanh nghiệp phải trích nộp kinh phí công đoàn chậm nhất là vào Thứ Tư ngày 30/11/2022.
(Căn cứ Điều 5, 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP).
Như vậy, doanh nghiệp cần thực hiện những công việc về nhân sự, kế toán cần làm trong tháng 11/2022 nêu trên để tránh gặp rủi ro pháp lý và thiệt hại.
Thư Viện Pháp Luật.