Thị trường nước ngoài luôn là mục tiêu hướng đến của những doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là một thị trường có sự phát triển mạnh mẽ luôn thu hút các nhà đầu tư trong nước đầu tư ra nước ngoài. Vậy có bao nhiêu hình thức được đầu tư ra nước ngoài theo quy định pháp luật tại Việt Nam ?
Theo khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
Điều 52. Hình thức đầu tư ra nước ngoài
1. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:
a) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
b) Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
c) Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
d) Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Cụ thể:
1) Thành lập tổ chức kinh tế
Tổ chức kinh tế được định nghĩa theo khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư như sau:
21. Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh
Vậy, hình thức thành lập tổ chức kinh tế gồm 2 hình thức:
- Một là, thành lập công ty 100% vốn từ nhà đầu tư nước ngoài
- Hoặc thành lập công ty giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về chứng khoán, về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và các điều kiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2) Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài
Theo khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư quy định:
14. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Vậy, đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài là việc đầu tư dựa trên hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC), giúp các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư được nhanh chóng mà không mất nhiều thời gian, tiền bạc để thành lập và quản lý một pháp nhân mới. Hợp đồng này sẽ được kí kết theo quy định của Bộ luật dân sự, có ít nhất 1 bên là nhà đầu tư nước thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
3) Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế
Theo Điều 25 Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo các hình thức sau:
1. Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
2. Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
b) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Đây đều là những hình thức đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý. Khi thực hiện hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cần tuân thủ các hình thức và thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
4) Mua, bán chứng khoán hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán
Với quy định này, nhà đầu tư có quyền mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài. Loại hình đầu tư này giúp nhà đầu tư dễ dàng đầu tư và rút vốn khi cần thiết, lợi nhuận dựa trên việc gia tăng giá trị của cổ phiếu, hưởng lợi nếu như giá chứng khoán của doanh nghiệp đó tăng lên. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có quyền quản lý, điều hành trong công ty.
Thư Viện Pháp Luật.