Một trong những ngành đang “hot” trên thị trường hiện nay là kinh doanh bất động sản, bởi nó mang lại lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể hoạt động trong lĩnh vực này, doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện nhất định.
1. Kinh doanh bất động sản là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.
2. Điều kiện kinh doanh bất động sản
Khi kinh doanh bất động sản thì cả bất động sản đưa vào kinh doanh và cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh
Theo Điều 9 Luật kinh doanh bất động sản 2014, bất động sản đưa vào kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện như sau:
Nhà, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh phải có đủ các điều kiện sau đây:
– Có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất;
– Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
Các loại đất được phép kinh doanh quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:
– Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản
Căn cứ Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP, Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản được quy định như sau:
– Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ các trường hợp sau:
+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên quy định tại Điều 5 Nghị định này;
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản.
– Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thuộc diện có vốn pháp định phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của số vốn pháp định.
Lưu ý: Căn cứ xác định mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
Mức vốn pháp định được xác định căn cứ vào số vốn điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã. Doanh nghiệp, hợp tác xã không phải làm thủ tục đăng ký xác nhận về mức vốn pháp định.
Thư Viện Pháp Luật.