Với những người khi không được Nhà nước, đơn vị hỗ trợ thì họ sẽ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình là cách tốt nhất để chăm sóc sức khỏe. Còn đối với người nước ngoài, họ có được tham gia BHYT hộ gia đình không?
1. Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình là gì? Có áp dụng cho người nước ngoài không?
Theo khoản 1 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Trong đó, hộ gia đình tham gia BHYT (gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.
Với hình thức BHYT hộ gia đình, Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã liệt kê cụ thể các đối tượng tham gia, bao gồm:
- Người có tên trong sổ hộ khẩu, người có tên trong sổ tạm trú, trừ những người thuộc nhóm đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng, do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách Nhà nước đóng, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng hoặc do người sử dụng lao động đóng.
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
- Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng đã tham gia BHYT bắt buộc mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Như vậy, có thể thấy, người nước ngoài vẫn có thể tham gia BHYT gia đình nếu đã đăng ký thường trú, tạm trú tại chỗ ở hợp pháp và đối tượng này không thuộc các trường hợp ngoại trừ (nhóm đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng, do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách Nhà nước đóng, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng hoặc do người sử dụng lao động đóng).
2. Mức đóng BHYT hộ gia đình là bao nhiêu?
Theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng BHYT đối với hộ gia đình đước xác định như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức đóng BHYT của người nước ngoài khi tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình như sau
Thành viên hộ gia đình |
Mức đóng |
Người thứ 1 |
67.050 đồng/tháng |
Người thứ 2 |
46.935 đồng/tháng |
Người thứ 3 |
40.230 đồng/tháng |
Người thứ 4 |
33.525 đồng/tháng |
Người thứ 5 trở đi |
26.820 đồng/tháng |
3. Người nước ngoài mua BHYT hộ gia đình ở đâu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Quyết định 595/QĐ-BHXH, cơ quan BHXH hoặc đại lý thu sẽ có trách nhiệm phải tiếp nhận hồ sơ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Và đây cũng là nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia BHYT theo hình thức này.
Trường hợp người nước ngoài tham gia BHYT theo hộ gia đình được thực hiện theo các bước được quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 505/QĐ-BHXH như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 595)
Bước 2: Nộp hồ sơ và đóng tiền
– Địa điểm nộp hồ sơ: Đại lý thu hoặc cơ quan BHXH (Đại lý thu phải hoàn thiện hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH).
– Đóng tiền BHYT theo mức của đối tượng tham gia.
Bước 3: Nhận thẻ BHYT
Người nước ngoài nhận thẻ BHYT tại nơi mình đã nộp hồ sơ.
Thời hạn giải quyết: Không quá 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ.