Ngày 28/10/2021 vừa qua Tổng Cục thuế đã có Công văn 4144/TCT-CS iới thiệu các nội dung mới tại Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn chứng từ.
Tại Thông tư 78, có 10 điểm mới về hóa đơn chứng từ. Đơn cử đối với việc xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp như sau:
Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập có sai sót (xử lý lần đầu).
Tại Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn tiếp tục xử lý sai sót HĐĐT các lần tiếp theo nếu sau khi xử lý lần đầu vẫn còn sai sót, hướng dẫn xử lý bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử trong trường hợp có sai sót, gửi thiếu dữ liệu hóa đơn hoặc cần điều chỉnh. Cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc xử lý hóa đơn điện tử sai sót
– Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải cấp lại mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có sai sót cần xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế thì người bán được lựa chọn để thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót hoặc thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh.
Người bán sử dụng Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP để thông báo đến cơ quan thuế về việc điều chỉnh hóa đơn có sai sót.
– Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn.
– Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.
– Trường hợp theo quy định hóa đơn điện tử được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh mà không thực hiện hủy hoặc thay thế;
– Đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn điện tử có sai sót thì: điều chỉnh tăng ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.
2. Đối với trường hợp bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi thiếu dữ liệu, có sai sót và điều chỉnh hóa đơn trên bảng tổng hợp dữ liệu
– Sau thời hạn chuyển bằng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, nếu phát hiện thiếu dữ liệu hóa đơn điện tử tại bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế thì người bán gửi bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử bổ sung.
– Trường hợp bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót thì người bán gửi thông tin điều chỉnh cho các thông tin đã kê khai trên bảng tổng hợp.
– Việc điều chỉnh hóa đơn trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử thì phải điền đủ các thông tin: ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn (trừ trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đầy đủ các thông tin ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn)
Lưu ý: Việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế liên quan các hóa đơn điện tử điều chỉnh, thay thế (bao gồm cả hóa đơn điện tử bị hủy) thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
Ngoài ra, còn một số điểm mới về hóa đơn, chứng từ:
- Ủy nhiệm lập hóa đơn, chứng từ (Điều 3);
- Về ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn, tên liên hóa đơn (Điều 4);
- Về việc chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tủ có mã của cơ quan thuế (Điều 5);
- Áp dụng hóa đơn điện tử đối với các trường hợp khác (Điều 6);
- Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (Điều 8);
- Sử dụng biên lai, chứng từ (Điều 9);
- Tiêu chí đối với tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quann thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan (Điều 10);
- Hiệu lực thi hành (Điều 11);
- Xử lý chuyển tiếp (Điều 12).
Thư Viện Pháp Luật.