Tạm ngừng kinh doanh được hiểu là trường hợp doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời gian nhất định và phải thông báo bằng văn bản về thời gian bắt đầu và tạm ngưng. Vậy có bị xử phạt hay không khi doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh mà không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ?
1. Điều kiện tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Tạm ngưng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, việc tạm ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian nhất định. Theo Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”
Như vậy, khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hay tiếp tục kinh doanh trước thời hạn thì phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định, trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá 01 năm.
Điều kiện tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp được quy định tai khoản 2 Điều 206 Luật này như sau:
Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
- Tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
- Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Lưu ý: Trong thời hạn tạm ngưng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
2. Tạm ngưng hoạt động kinh doanh không thông báo có bị phạt không?
Theo quy định thì doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Nếu doanh nghiệp tự ý tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể:
– Thứ nhất, xử phạt hành chính:
Điều 32 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác, gồm:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
c. Không thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh về việc thay đổi thông tin cổ đông sáng lập hoặc cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần chưa niêm yết;
d. Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời Điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh
…
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a. Đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a. Buộc thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế nội dung theo quy định đối với hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 1 Điều này;
b. Buộc thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh các nội dung theo quy định đối với hành vi vi phạm tại Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Như vậy, pháp luật có quy định chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Đối với trường hợp đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt độngsẽ bị phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục là buộc doanh nghiệp phải hông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh
– Thứ hai, doanh nghiệp có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm không thông báo theo quy định của pháp luật có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 212. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:
c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.
Từ những phân tích trên, nếu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo các quy định trên.
Thư Viện Pháp Luật.