Kể từ ngày 15/7/2022, Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực. Theo đó, Nghị định này đã bổ sung thêm quy định riêng về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP trước đây.
1. Doanh nghiệp chế xuất (DNCX) là gì?
Theo khoản 21 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.
Đồng thời, hoạt động chế xuất cũng được quy định tại khoản 20 Điều 2 Nghị định này, cụ thể:
20. Hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.
Từ những quy định trên, có thể thấy doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.
2. Điều kiện và thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất
2.1. Điều kiện thành lập DNCX
Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP thì khi nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp chế xuất cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào;
(2) Phải bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
(3) Doanh nghiệp chế xuất muốn được hưởng ưu đãi đầu tư và chính sách thuế đối với khu phi thuế quan phải được cơ quan hải quan có thẩm quyền xác nhận việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước khi chính thức đi vào hoạt động. Các điều kiện này được quy định chi tiết tại Điều 28a Nghị định 18/2021/NĐ-CP như sau:
– Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng/cửa;
– Có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh ca-mê-ra được kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng;
– Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của doanh nghiệp chế xuất để báo cáo quyết toán nhập – xuất – tồn về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật về hải quan.
2.2. Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo quy định tại Điều 39 Luật Đầu tư 2020 thì thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc về:
– Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;
– Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư đối với:
+ Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
+ Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;
+ Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu chế xuất.
2.3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập DNCX
Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP thì hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất gồm có:
Trường hợp 1: Thành lập DNCX đồng thời với thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT)
– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
+ Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Thời hạn giải quyết:
+ Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Kế hoạch và đầu tư phải thông báo kết quả cho nhà đầu tư;
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận mục tiêu thành lập doanh nghiệp chế xuất tại GCNĐKĐT khi cấp GCNĐKĐT.
Trường hợp 2: Thành lập DNCX không đồng thời với thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT
– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Các tài liệu về dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
+ Bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
– Thời hạn giải quyết:
+ Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Kế hoạch và đầu tư phải thông báo kết quả cho nhà đầu tư;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp GCNĐKĐT.
Trường hợp 3: Dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan;
+ Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư.
– Thời hạn giải quyết:
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất cho nhà đầu tư;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất cho nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp GCNĐKĐT hoặc ghi nhận mục tiêu thành lập doanh nghiệp chế xuất tại GCNĐKĐT khi cấp.
3. Hoạt động của doanh nghiệp chế xuất
Hoạt động của doanh nghiệp chế xuất được quy định tại Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP gồm những nội dung như sau:
– Người lao động làm việc tại doanh nghiệp chế xuất không phải khai báo hải quan khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào doanh nghiệp này và ngược lại.
– Doanh nghiệp chế xuất được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:
+ Bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động chế xuất bảo đảm ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác;
+ Doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động chế xuất và các hoạt động kinh doanh khác phải được hạch toán riêng;
+ Không được sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.Nếu sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác thì phải hoàn trả ưu đãi về thuế đã được miễn, giảm theo quy định pháp luật.
– Được thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động chế xuất. Chi nhánh được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất nếu:
+ Thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế; và;
+ Đáp ứng các điều kiện (1) và (2) như đối với DNCX (nêu trên).
– Nếu không đủ mặt bằng để bố trí kho lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động chế xuất thì DNCX được thuê mặt bằng ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế để thực hiện lưu giữ hàng hóa nếu đáp ứng được các điều kiện (1) và (2) như đối với DNCX (nêu trên).
Kho lưu giữ hàng hóa này được đưa vào sử dụng kể từ ngày được cơ quan hải quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan.
Lưu ý:
– Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan hải quan có thẩm quyền cho phép đưa vào sử dụng, doanh nghiệp chế xuất phải thông báo đến Sở Kế hoạch và Đầu tư việc bố trí kho ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế để lưu giữ hàng hóa và thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư.
– Doanh nghiệp chế xuất được bán hàng hóa vào thị trường nội địa. Hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
– Chỉ những nhà đầu tư, người lao động làm việc trong doanh nghiệp chế xuất và những người có quan hệ công tác với doanh nghiệp chế xuất được ra, vào doanh nghiệp chế xuất.
Thư Viện Pháp Luật.