Thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại trong lao động năm 2024

THỦ TỤC XỬ LÝ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG LAO ĐỘNG 

Căn cứ Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định các bước đối với thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại trong lao động như sau:

Bước 1: Yêu cầu tường trình về thiệt hại bằng văn bản

Khi phát hiện người lao động (NLĐ) có hành vi gây hư hỏng, mất mát tài sản hoặc tiêu hao vật tư vượt mức cho phép, người sử dụng lao động (NSDLĐ) sẽ yêu cầu NLĐ tường trình chi tiết về thiệt hại đó.

Bước 2: Tổ chức cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại

  • Nếu hành vi gây thiệt hại vẫn còn trong thời hiệu xử lý, NSDLĐ sẽ tổ chức cuộc họp để xem xét vấn đề bồi thường.
  • NSDLĐ phải thông báo cuộc họp cho các bên liên quan ít nhất 05 ngày làm việc trước khi họp, đảm bảo các thành phần tham dự nhận được thông báo.
  • Thành phần tham dự bao gồm: đại diện tổ chức NLĐ tại cơ sở, NLĐ, luật sư (nếu có), người đại diện theo pháp luật (nếu NLĐ chưa đủ 15 tuổi), thẩm định viên giá trị tài sản (nếu có).
  • Nếu một trong các thành phần không thể tham dự, hai bên có thể thỏa thuận thay đổi thời gian và địa điểm họp. Nếu không thỏa thuận được, NSDLĐ sẽ quyết định.

Bước 3: Ký biên bản cuộc họp

  • Nội dung cuộc họp phải được ghi lại trong biên bản, thông qua và ký bởi tất cả những người tham dự trước khi kết thúc cuộc họp.
  • Nếu có ai không đồng ý ký biên bản, lý do phải được ghi rõ.

Bước 4: Ban hành Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại

  • NSDLĐ ban hành Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại trong thời hiệu xử lý.
  • Quyết định phải nêu rõ mức thiệt hại, mức bồi thường, nguyên nhân thiệt hại, thời hạn và hình thức bồi thường.
  • Quyết định này cần được gửi đến các bên liên quan.
Việt Luật chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý về lao động cho doanh nghiệp và cá nhân, đảm bảo tuân thủ theo các quy định mới nhất.

THỜI HIỆU XỬ LÝ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Thời hiệu để xử lý bồi thường thiệt hại là 06 tháng kể từ ngày người lao động (NLĐ) có hành vi làm hư hỏng, mất mát dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động (NSDLĐ) hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao, hoặc tiêu hao vật tư vượt quá định mức cho phép.

Các trường hợp không được xử lý bồi thường thiệt hại đối với NLĐ 

Theo khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019:

    • NLĐ đang nghỉ ốm đau, điều dưỡng; hoặc nghỉ việc có sự đồng ý của NSDLĐ.
    • NLĐ đang bị tạm giữ, tạm giam.
    • NLĐ đang chờ kết quả điều tra xác minh từ cơ quan có thẩm quyền liên quan đến hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động.
    • NLĐ nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trường hợp hết thời hạn xử lý bồi thường thiệt hại đối với NLĐ 

Trường hợp hết thời gian không được phép xử lý bồi thường thiệt hại như trên mà thời hiệu xử lý đã hết, hoặc còn thời hiệu nhưng dưới 60 ngày, thì thời hiệu có thể được kéo dài thêm, nhưng không quá 60 ngày kể từ khi kết thúc các trường hợp trên.

3. MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG LAO ĐỘNG 

Mức bồi thường thiệt hại trong lao động được xác định dựa trên lỗi của người lao động (NLĐ), mức độ thiệt hại thực tế, hoàn cảnh gia đình, tài sản và nhân thân của NLĐ. Cụ thể như sau:

Trường hợp NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ:

    • Việc bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo nội quy lao động tại nơi làm việc.
    • Nếu thiệt hại do sơ suất không nghiêm trọng và giá trị thiệt hại không vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi NLĐ làm việc, NLĐ phải bồi thường tối đa 03 tháng tiền lương và khoản này sẽ được khấu trừ hàng tháng vào lương.

Trường hợp NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tiêu hao vật tư vượt quá định mức cho phép

NLĐ phải bồi thường toàn bộ hoặc một phần thiệt hại dựa trên thời giá thị trường hoặc theo quy định tại nội quy lao động.

Trường hơp NLĐ có hợp đồng trách nhiệm giữa NLĐ và NSDLĐ

Việc bồi thường sẽ được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng trách nhiệm.

Trường hợp thiệt hại xảy ra do các yếu tố bất khả kháng (như hỏa hoạn, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm, hoặc các sự kiện khách quan không thể lường trước và không thể khắc phục được):

NLĐ không phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép để ngăn chặn thiệt hại.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Địa chỉ: Số 2 Hoa Phượng, P. 2, Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại tư vấn: 08 3517 2345 (20 lines)

Hotline:  0934 234 777 (Ms. Sương) – 0936 234 777 (Mr. Mẫn)

5/5 - (1 bình chọn)