Thế nào là công ty có vốn nước ngoài?

Trong quá trình tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài rằng “Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn thì công ty được xem là công ty nước ngoài và bao nhiêu phần trăm vốn thì được xem là công ty trong nước”. Câu hỏi này họ cũng hỏi khi làm việc với những đơn vị tư vấn, những chuyên gia pháp lý khác. Nhưng họ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau từ các chuyên gia khác nhau. Điều này làm cho họ băn khoăn không biết tìm câu trả lời đúng nhất ở đâu, ai nói đúng, ai nói sai. Lúc này, họ tin vào câu trả lời của đa số hoặc tin vào những điều phù hợp với mong đợi của họ, theo cách hiểu của họ. 

Thường các câu trả lời sai đó là của các đơn vị tư vấn nước ngoài tại Việt Nam nên không hiểu rõ pháp luật của Việt Nam. Câu trả lời sai phổ biến nhất là “Công ty có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn dưới 51% thì được xem là công ty trong nước”. 

Vì lý do trên nên chúng tôi có bài viết này nhằm giúp các nhà đầu tư hiểu rõ ràng và đầy đủ nhất trên phương diện pháp luật. 

Tham khảo thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói và Dịch vụ thành lập công ty nước ngoài

ĐỊNH NGHĨA THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

  1. Công ty nước ngoài” hay còn gọi là “Nhà đầu tư nước ngoài”, là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài. Tức là công ty này ở nước ngoài, thành lập theo pháp luật nước ngoài. Ví dụ như Công ty Coca Cola tại Mỹ. 
  2. Công ty có vốn nước ngoài” hay gọi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Tức là công ty chỉ cần có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn (cho dù 0.0001% hay bao nhiêu đi chăng nữa) thì là “Công ty có vốn nước ngoài” theo quy định của Luật Đầu tư 2020. Ví dụ như Công ty Coca Cola tại TP. HCM.
  3. Công ty trong nước” hay còn gọi là nhà đầu tư trong nước, là tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Tức là công ty trong nước không có bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia góp vốn. 
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÔNG TY VỐN NƯỚC NGOÀI VÀ CÔNG TY TRONG NƯỚC

Về tổng thể, pháp luật gần như không có sự phân biệt đối với các tổ chức kinh tế. Các tổ chức kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật dù có vốn nước ngoài hay không. 

Tuy nhiên, chỉ có một số sự khác biệt sau đây đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài so với công ty trong nước: 

  1. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm.
  2. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện một số hoạt động thương mại phải có giấy phép kinh doanh.
  3. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế trong một số ngành nghề kinh doanh như kinh doanh bất động sản…. 

=> Vì có nhiều hạn chế và trách nhiệm nêu trên nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn công ty của mình được đối xử như công ty trong nước. Tuy nhiên, trừ một số ngành nghề quy định tỷ lệ vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, các trường hợp còn lại sẽ không có ý nghĩa nếu tỷ lệ vốn này có thay đổi dù trên 50% hay dưới 50%. 

ĐỊNH NGHĨA THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẦU TƯ 2020

Các “chuyên gia” cho rằng “công ty có vốn nước ngoài 51% hoặc dưới 51% thì được xem như công ty trong nước”.

==> Đây là nhận định sai theo pháp luật hiện hành. 

Trước tiên, trong pháp luật đầu tư không có quy định nào liên quan đến con số 51%. Hơn nữa, chỉ cần có có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty cho dù bao nhiêu % đi chăng nữa thì vẫn phải xem là công ty có vốn nước ngoài.  

Hơn nữa, Điều 23, Luật Đầu tư 2020 áp dụng đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư. 

Điều này có nghĩa là, thay vì đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài như theo cách hiểu của nhiều “chuyên gia”, Điều 23 đề cập đến đối tượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là những tổ chức kinh tế đã được thành lập tại Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam và trong tổ chức này có nhà đầu tư nước ngoài.

Khi thực hiện hoạt động đầu tư thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần tuân theo hướng dẫn tại Điều 23, Luật Đầu tư 2020. 

Ví dụ: Ví dụ, Công ty Việt Luật là một tổ chức kinh tế được thành lập tại Việt Nam và có thành viên là nhà đầu tư Nhật Bản. Nếu Công ty Việt Luật có nhu cầu thực hiện hoạt động đầu tư như góp vốn vào một công ty khởi nghiệp hoặc thành lập một công ty mới, thì Công ty Việt Luật sẽ là đối tượng áp dụng của Điều 23, Luật Đầu tư 2020.

Đồng thời, nếu Công ty Việt Luật có nhà đầu tư Nhật Bản nhưng không thực hiện hoạt động đầu tư thì Công ty Việt Luật không phải là đối tượng áp dụng tại Điều 23, Luật Đầu tư 2020.

Như vậy, thế nào là hiểu đúng quy định tại Điều 23, Luật Đầu tư 2020?

Điểm mấu chốt của Điều 23, Luật Đầu tư 2020 là xác định khi nào tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài và khi nào được đối xử như nhà đầu tư trong nước. 

Khoản 1 của Điều 23 nêu rõ ba trường hợp mà tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được xem như nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ cần thuộc một trong ba trường hợp này, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không thuộc bất kỳ trường hợp nào trong ba trường hợp này, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được đối xử như nhà đầu tư trong nước.

Trường hợp 1: 

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc
  • Có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với công ty hợp danh. 

Ví dụ 1: Việt Luật có cơ cấu góp vốn như sau:

  • 30% ông A là nhà đầu tư Việt Nam 
  • 19.5% ông B là nhà đầu tư Việt Nam 
  • 50.5% ông C là nhà đầu tư Nhật Bản

Như vậy trong trường hợp này, công ty Việt Luật có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Khi Công ty Việt Luật thực hiện hoạt động đầu tư (thành lập công con hoặc góp vốn vào công ty khác), Công ty Việt Luật được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài. 

Ví dụ 2: 

Việt Luật có cơ cấu góp vốn như sau:

  • 30% ông A là nhà đầu tư Việt Nam 
  • 20% ông B là nhà đầu tư Việt Nam 
  • 50% ông C là nhà đầu tư Nhật Bản

Trong trường hợp này, mặc dù có 50% vốn góp của nhà đầu tư Nhật Bản nhưng khi thực hiện hoạt động đầu tư (thành lập công con hoặc góp vốn vào công ty khác), Công ty Việt Luật được xem như nhà đầu tư trong nước. 

Trường hợp 2:

Có tổ chức kinh tế quy định tại trường hợp 1 nắm giữa trên 50% vốn diều lệ. 

Ví dụ: Công ty Việt Luật có cơ cấu tổ chức như sau:

  • 30% ông A là nhà đầu tư Việt Nam 
  • 19.5% ông B là nhà đầu tư Việt Nam 
  • 50.5% Công ty Khởi Nghiệp (thành lập theo pháp luật Việt Nam).

Công ty Khởi Nghiệp có 50.5% vốn của nhà đầu tư Hoa Kỳ. 

Như vậy mặc dù Công ty Khởi Nghiệp là công ty Việt Nam nhưng lại có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Công ty Khởi Nghiệp lại nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại Công ty Việt Luật. Cho nên, khi thực hiện hoạt động đầu tư, Công ty Việt Luật được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại trường hợp 2 nêu trên. 

Dịch vụ của Việt Luật
Dịch vụ của Việt Luật

Trường hợp 3:

Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại trường hợp 1 năm giữ trên 50% vốn điều lệ. 

Ví dụ 1: Công ty Việt Luật có cơ cấu tổ chức như sau:

  • 30% ông A là nhà đầu tư Việt Nam 
  • 19.5% ông B là nhà đầu tư Việt Nam
  • 30% ông C là nhà đầu tư Nhật Bản  
  • 20.5% Công ty Khởi Nghiệp (thành lập theo pháp luật Việt Nam).

Công ty Khởi Nghiệp có 50.5% vốn của nhà đầu tư Hoa Kỳ. 

Tổng tỷ lệ vốn góp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là 50.5% (trên 50%), do đó khi Công ty Việt Luật thực hiện hoạt động đầu tư thì Công ty Việt Luật được xem như nhà đầu tư nước ngoài. 

Như vậy, một công ty có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài từ 50% trở xuống thì vẫn được xem là công ty có vốn nước ngoài nhưng công ty thành lập công ty con thì công ty con đó được xem là công ty trong nước. 

Ví dụ 1: 

Ông Obama quốc tịch Hoa Kỳ góp vốn 50% vào Công ty ABC thì công ty ABC này là công ty có vốn nước ngoài. Công ty ABC thành lập công ty con là Công ty XYZ thì Công ty XYZ này được xem như công ty trong nước

Ví dụ 2: 

Ông Trump quốc tịch Hoa Kỳ góp vốn 51% vào Công ty ABC thì công ty ABC này là công ty có vốn nước ngoài. Công ty ABC thành lập công ty con là Công ty XYZ thì Công ty XYZ này được xem như công ty có vốn nước ngoài.

Do đó, việc góp vốn từ 50% trở xuống không làm thay đổi bản chất của công đó mà chỉ thay đổi bản chất của công ty con 

QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ VIỆT LUẬT ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:

Tòa nhà Số 2 Hoa Phượng, Phường 2, Quận Phú Nhuận, TP.HCM

Điện thoại: 028.7777.5678 (30 lines)

Hotline: 0934 234 777 (Ms Sương) – 0936 234 777 (Mr Mẫn)

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected]

 

5/5 - (4 bình chọn)