Thành lập trung tâm đào tạo lái xe theo quy định hiện hành

Cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô xe phải được cấp Giấy phép đào tạo lái xe do Sở Giao thông vận tải cấp. Mời quý bạn đọc tham khảo các điều kiện, thủ tục, trình tự thành lập trung tâm đào tạo lái xe trong bài viết dưới đây.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Doanh nghiệp;
  • Luật Giáo dục nghề nghiệp;
  • Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe

THỦ TỤC THÀNH LẬP TRUNG TÂM ĐÀO TẠO LÁI XE 

Dịch vụ của Việt Luật
Dịch vụ của Việt Luật

Bước 1: Thành lập doanh nghiệp

Tham khảo thủ tục tại Thành lập công ty trọn gói

Bước 2: Xin cấp Quyết định thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Điều kiện cấp phép thành lập

  • Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi thành lập phải hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định;
  • Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo diện tích đất sử dụng tối thiểu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1000 m2;
  • Vốn đầu tư tối thiểu là 05 tỷ đồng.

Thành phần hồ sơ

  • Văn bản đề nghị thành lập;
  • Đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
  • Dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng, bảo đảm phù hợp với ngành, nghề, quy mô, trình độ đào tạo và tiêu chuẩn diện tích sử dụng, diện tích xây dựng cho hoạt động học tập và giảng dạy;
  • Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc văn bản chấp thuận giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định của pháp luật và các giấy tờ pháp lý liên quan còn thời hạn ít nhất là 05 năm kể từ ngày gửi hồ sơ;
  • Văn bản xác nhận khả năng tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
  • Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu về tài sản kèm theo văn bản thẩm định giá tài sản góp vốn nếu góp vốn bằng tài sản.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục có từ 02 thành viên góp vốn trở lên, ngoài hồ sơ theo quy định bên trên, hồ sơ cần bổ sung:

  • Biên bản cử người đại diện đứng tên thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các thành viên góp vốn;
  • Danh sách trích ngang các thành viên Ban sáng lập;
  • Danh sách, hình thức và biên bản góp vốn của các thành viên cam kết góp vốn thành lập;
  • Dự kiến Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường trung cấp, trường cao đẳng.

Cơ quan có thẩm quyền

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục trên địa bàn.

Thời gian xử lý

20 ngày làm việc – Không bao gồm thứ bảy, chủ nhật

Bước 3: Xin cấp Giấy chứng nhận giáo viên thực hành lái xe

Dịch vụ của Việt Luật
Dịch vụ của Việt Luật

Điều kiện giáo viên lái xe

  • Có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, thực hành đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
  • Đảm bảo có ít nhất 01 giáo viên dạy thực hành lái xe trên 01 xe tập lái.

Tiêu chuẩn chung của giáo viên lái xe

  • Trình độ chuyên môn;
  • Trình độ ngoại ngữ;
  • Trình độ tin học;
  • Trình độ nghiệp vụ sư phạm và thời gian tham gia giảng dạy;
  • Chuẩn bị hoạt động giảng
  • Thực hiện hoạt động giảng dạy
  • Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học
  • Quản lý hồ sơ dạy học
  • Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy
  • Xây dựng kế hoạch, thực hiện các hoạt động giáo dục
  • Quản lý người học, xây dựng môi trường giáo dục, học tập
  • Hoạt động xã hội
  • Tiêu chí về năng lực phát triển nghề nghiệp

Tiêu chuẩn giáo viên dạy lý thuyết

  1. Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên;
  2. Giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.

Tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành

  1. aCó giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;
  2. Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển;
  3. Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VI.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận giáo viên thực hành lái xe

  • Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV theo nghị định 65/2016/NĐ-CP
  • Bản sao có công chứng bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp;
  • Bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm;
  • 01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.

=> Hồ sơ được nộp cho Sở Giáo thông vận tải

Bước 4: Xin cấp giấy phép tập lái

Thành phần hồ sơ

  • Danh sách xe đề nghị cấp giấy phép xe tập lái theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe.

Cơ quan có thẩm quyền

Sở Giao thông vận tải

Bước 5: Xin cấp giấy phép trung tâm đào tạo lái xe ô tô 

Đào tạo lái xe ô tô
Đào tạo lái xe ô tô

Điều kiện hệ thống phòng học chuyên môn

a) Bao gồm các phòng học lý thuyết và phòng học thực hành, bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với quy mô đào tạo theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

b) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô với lưu lượng 500 học viên trở lên phải có ít nhất 02 phòng học Pháp luật giao thông đường bộ và 02 phòng học Kỹ thuật lái xe; với lưu lượng 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 03 phòng học Pháp luật giao thông đường bộ và 03 phòng học Kỹ thuật lái xe;

c) Phòng học Pháp luật giao thông đường bộ: Có thiết bị nghe nhìn (màn hình, máy chiếu), tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa hình;

d) Phòng học Cấu tạo và sửa chữa thông thường: Có mô hình cắt b động cơ, hệ thống truyền lực; mô hình hệ thống điện; hình hoặc tranh vẽ sơ đồ mô tả cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái;

đ) Phòng học Kỹ thuật lái xe: Có phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy (băng đĩa, đèn chiếu…); có hình hoặc tranh vẽ mô tả các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái…); có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có thiết bị mô phòng để đào tạo lái xe;

e) Phòng học Nghiệp vụ vận tải: Có hệ thống bảng, biểu phục vụ giảng dạy nghiệp vụ chuyên môn về vận tải hàng hóa, hành khách; có các tranh vẽ ký hiệu trên kiện hàng;

g) Phòng học Thực tập bảo dưỡng sửa chữa: Có hệ thống thông gió và chiếu sáng, bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động; nền nhà không rạn nứt, không trơn trượt; có trang bị đồ nghề chuyên dùng để bảo dưỡng sửa chữa; có tổng thành động cơ hoạt động tốt, hệ thống truyền động, hệ thống lái, hệ thống điện; có bàn tháo lắp, bảng, bàn ghế cho giảng dạy, thực tập.

Điều kiện về xe tập lái

  • Có xe tập lái các hạng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái;
  • Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.

Sân tập lái xe

  • Thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe;
  • Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 02 sân tập lái xe theo quy định;
  • Sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; kích thước các hình tập lái phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng xe tương ứng;
  • Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; bề mặt các làn đường và hình tập lái được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường; hình các bài tập lái xe ô tô phải được bó vỉa;
  • Có nhà chờ, có ghế ngồi cho học viên học thực hành;
  • Diện tích tối thiểu của sân tập lái: Hạng B1 và B2 là 8.000 m2; hạng B1, B2 và C là 10.000 m2; hạng B1, B2, C, D, E và F là 14.000 m2.

Thành phần hồ sơ

  1. Văn bản kèm báo cáo đề nghị cấp giấy phép đào tạo lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục X;
  2. Bản sao có chứng thực quyết định thành lập ở Bước 2;
  3. Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe;
  4. Bản sao có chứng thực Giấy đăng ký xe;
  5. Bản sao Giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ở Bước 1.

Trình tự xử lý hồ sơ

  • Nộp hồ sơ bằng đường bưu điện, hoặc trực tiếp tới Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp đặt trụ sở;
  • Nếu hồ sơ chưa đủ => trong vòng 2 ngày làm việc Sở GTVT trả lời bằng văn bản;
  • Nếu hồ sơ đầy đủ => trong vòng 10 ngày làm việc Sở GTVT cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận đào tạo lái xe ô tô.

Bước 5: Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp

CÁC TRƯỜNG HỢP THU HỒI GIẤY PHÉP ĐÀO TẠO LÁI XE Ô TÔ

1. Cơ sở đào tạo bị thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô không thời hạn khi vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô;

b) Không triển khai hoạt động đào tạo lái xe ô tô sau thời hạn 24 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô;

c) Bị đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô từ 02 lần trở lên trong thời gian 18 tháng;

d) Giấy phép được cấp không đúng với thẩm quyền;

đ) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trên giấy phép được cấp;

e) Cho thuê, mượn giấy phép.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô thực hiện việc thu hồi theo trình tự sau:

a) Ban hành quyết định thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô, thông báo đến các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải;

b) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải nộp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô cho cơ quan cấp giấy phép, đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động đào tạo lái xe ô tô theo giấy phép đã bị thu hồi ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

Mọi thắc mắc quý khách liên hệ lại để được hỗ trợ

Hãy gọi cho chúng tôi theo số: 
Tổng đài: 028.7777.5678 (30 lines)
Điện thoại di động (Zalo/Viber): 0934234777 – 0938234777 – 0936234777
Email: [email protected]

5/5 - (2 bình chọn)