Thành lập Nhà hàng và một số vấn đề pháp lý cần biết

1. Đăng ký thành lập Nhà hàng?

1.1 Nên lựa chọn thành lập doanh nghiệp hay hộ kinh doanh khi mở nhà hàng?

Trước khi thực hiện kinh doanh nhà hàng, chủ nhà hàng sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Việc xin các loại giấy phép sẽ dễ dàng hơn khi chủ nhà hàng thành lập doanh nghiệp để thực hiện kinh doanh. Tuy nhiên, phụ thuộc vào quy mô hoạt động, quỹ tài chính dự định và khả năng quản lý mà chủ nhà hàng có thể lựa chọn thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cho phù hợp.

Ví dụ: Đối với những nhà hàng nhỏ, số lượng vốn ít thì nên lựa chọn đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

1.2. Mã ngành, nghề kinh doanh nhà hàng

Khi thành lập doanh nghiệp/hộ kinh doanh để thực hiện hoạt động kinh doanh nhà hàng, chủ nhà hàng nên lựa chọn đăng ký tích hợp ngành nghề kinh doanh nhà hàng cùng với các mã ngành nghề kinh doanh khác có liên quan.

Tham khảo đăng ký tích hợp 04 mã ngành, nghề kinh doanh sau:

Mã ngành, nghề kinh doanh

Tên mã ngành, nghề kinh doanh

5610

 Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động

5621

 Cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên với khách hàng

5629

Dịch vụ ăn uống khác

5630

Dịch vụ phục vụ đồ uống

Trường hợp thành lập doanh nghiệp thì bắt buộc phải điền mã ngành nghề kinh doanh cấp 4 được quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

Trường hợp thành lập hộ kinh doanh thì chủ nhà hàng có thể thực hiện ghi nhận chi tiết nội dung hoạt động kinh doanh mà không bắt buộc phải điền mã ngành nghề theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Tuy nhiên, chủ nhà hàng có thể xem xét lựa chọn việc đăng ký ngành, nghề kinh doanh như thành lập doanh nghiệp.

1.3 Các công việc pháp lý cần làm sau khi thành lập nhà hàng

Sau khi đăng ký thành lập nhà hàng thì tùy vào việc chủ nhà hàng thành lập hộ kinh doanh hay doanh nghiệp mà cần thực hiện một số thủ tục tương ứng trước khi thực hiện kinh doanh, đơn cử như sau:

1/ Mở tài khoản ngân hàng;

2/ Thông báo mẫu con dấu;

3/ Khai, nộp lệ phí môn bài;

4/ Bổ nhiệm kế toán trưởng, người phụ trách kế toán;

5/ Đăng ký thuế lần đầu;

6/ Treo biển hiệu tại doanh nghiệp;

7/ Đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN lần đầu.

2. Điều kiện chung

Nhà hàng sẽ được xác định là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trong phạm vi bài viết chỉ phân tích hoạt động kinh doanh của nhà hàng chịu sự quản lý trong lĩnh vực Y tế.

Nhà hàng phải đáp ứng các điều kiện về nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bảo quản thực phẩm và người trực tiếp chế biến thức ăn. Mời Quý thành viên tham khảo chi tiết tại công việc: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện lĩnh vực y tế.

Ngoài việc phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện nêu trên trong suốt trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhà hàng còn phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, cụ thể như sau:

2.1. Đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì trước khi nhà hàng đi vào hoạt động phải thực hiện thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cụ thể như sau:

– Thành phần hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP).

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất.

3. Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

4. Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Xem chi tiết thủ tục tại công việc “Cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm”.

5. Danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở

6. Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.

7. Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu người thay mặt doanh nghiệp thực hiện thủ tục không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Phương thức nộp hồ sơ: Nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

– Nơi nộp hồ sơ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà hàng đăng ký hoạt động.

Lưu ý: Trường hợp nhà hàng hoạt động nhưng KHÔNG có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

2.2. Đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy

Từ ngày 10/01/2021, Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP, thì tùy vào tổng diện tích kinh doanh hoặc khối tích mà chủ nhà hàng xác định cơ sở bên mình thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy hay cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ; cũng như là cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể như sau:

STT

Danh mục cơ sở/ Cơ quan quản lý

Quy mô

I. Danh mục cơ sở

Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy

Trường hợp không thuộc Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ

Có tổng diện tích kinh doanh từ 500 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

II. Cơ quan quản lý

Cơ quan Công an quản lý

Có tổng diện tích kinh doanh từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3.

Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý

Có diện tích kinh doanh dưới 300 m2 và có khối tích dưới 1.000 m3.

Riêng đối với nhà hàng có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên sẽ thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.

Phụ thuộc vào quy mô kinh doanh mà chủ nhà hàng cần phải thực hiện các công việc kiểm tra, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, báo cáo,… theo danh mục cơ sở tương ứng đảm bảo đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

3. Một số giấy phép liên quan

3.1. Giấy phép bán lẻ rượu tiêu dùng (nếu có)

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 105/2017/NĐ-CP và Khoản 7 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì trường hợp nhà hàng bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên trực tiếp cho người mua để tiêu dùng tại chỗ thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

– Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng và có đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh.

– Rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu.

– Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

3.2. Lập Kế hoạch bảo vệ môi trường

Trước đây, theo quy định tại Mục 5 Phụ lục IV Nghị định 18/2015/NĐ-CP thì dịch vụ ăn uống có quy mô diện tích nhà hàng phục vụ trên 200mthì phải thực hiện đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quy định này đã bị thay thế bởi Nghị định 40/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019.

Do đó, hiện nay, tùy thuộc vào phương án sản xuất kinh doanh, quy mô công suất, tần suất lượng nước thải, chất thải, khí thải phát sinh,… để xác định việc nhà hàng có thuộc đối tượng phải lập, đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định hay không. Quý thành viên có thể xem chi tiết các tiêu chí tại Khoản 5 Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP.

3.3. Xác nhận cơ sở đủ điều kiện an ninh trật tự

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự KHÔNG có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng).

Do đó, chủ nhà hàng không phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Thư Viện Pháp Luật.

Rate this post