Những điều cần biết về thuế khoán đối với hộ kinh doanh

Thuế khoán là loại thuế áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cơ quan thuế quy định sẵn số tiền cố định thay vì phải thực hiện tính toán theo doanh thu hay lợi nhuận thực tế. Hiện nay, các Hộ kinh doanh đều sử dụng phương pháp thuế khoán trong hoạt động kinh doanh. Để làm rõ hơn về nội dung này, mời bạn đọc tham khảo trong bài viết sau:

Thuế khoán là gì?

Hiện nay, thuế khoán là hình thức thuế trọn gói được áp dụng cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, chủ yếu trong các trường hợp có doanh thu thấp và khó xác định chính xác. Cơ quan thuế sẽ căn cứ vào hồ sơ tự khai của người nộp thuế, ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã cùng với dữ liệu của cơ quan thuế để ấn định một khoản thuế phải nộp.

Một số khái niệm liên quan khi áp dụng thuế khoán bao gồm:

  • Phương pháp khoán: Là phương pháp tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân áp dụng cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

  • Mức thuế khoán: Là số tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước mà hộ, cá nhân kinh doanh phải nộp theo phương pháp khoán.

Hộ kinh doanh nộp thuế khoán như thế nào?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định cụ thể như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ đã được giải thích tại Luật Quản lý thuế, các Luật thuế và các Nghị định quy định liên quan, một số từ ngữ khác trong Thông tư này được hiểu như sau:

8. “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán” là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.”

Theo Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC), có các quy định cụ thể như sau:

  • Phương pháp khoán áp dụng đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh không thuộc diện nộp thuế theo phương pháp kê khai và cũng không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này.

  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (gọi tắt là “hộ khoán”) không phải thực hiện chế độ kế toán. Tuy nhiên, nếu sử dụng hóa đơn lẻ, hộ khoán phải lưu trữ, xuất trình hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, và các hồ sơ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ khi đề nghị cấp hoặc mua hóa đơn theo từng lần phát sinh.

Đặc biệt, đối với hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu hoặc chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam, việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu là bắt buộc.

  • Hộ khoán đã nhận được thông báo thuế khoán từ đầu năm thì phải thực hiện nộp thuế đúng theo thông báo đó.

Nếu trong năm hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh, cơ quan thuế sẽ điều chỉnh lại số thuế phải nộp theo hướng dẫn tại điểm b.4 và b.5 khoản 4 Điều 13 của Thông tư này.

Trong trường hợp hộ khoán bắt đầu kinh doanh trong năm (không đủ 12 tháng), nếu doanh thu trong năm vượt 100 triệu đồng, hộ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Ngược lại, nếu doanh thu không vượt quá 100 triệu đồng, thì không phải nộp hai loại thuế này.

  • Hộ khoán thực hiện khai thuế theo năm, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế, và nộp thuế theo thời hạn được ghi trong Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, theo khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý thuế.

Riêng với các trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp bán lẻ theo từng số, hộ khoán phải khai và nộp thuế riêng đối với doanh thu ghi trên từng hóa đơn phát sinh.

Những điều cần lưu ý khi áp dụng thuế khoán

Khi thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh cần chú ý các điểm sau:

  • Không bắt buộc thực hiện chế độ kế toán.

  • Nếu sử dụng hóa đơn lẻ, hộ khoán phải lưu giữ và xuất trình hóa đơn, hợp đồng, chứng từ và các hồ sơ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan thuế khi được yêu cầu.

  • Mức doanh thu áp dụng thuế khoán là từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán:

  • Đối với hộ khoán đang hoạt động: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày 15/12 của năm trước liền kề năm tính thuế.

  • Đối với hộ khoán mới kinh doanh, chuyển đổi sang phương pháp kê khai, thay đổi ngành nghề hoặc quy mô kinh doanh: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, chuyển đổi phương pháp, hoặc thay đổi ngành nghề/quy mô.

  • Đối với hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.

Đối tượng nào không phải áp dụng thuế khoán?

Như đã trình bày ở phần trước, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ sẽ phải nộp thuế theo phương pháp khoán.

Vậy còn trường hợp nào không phải áp dụng thuế khoán?

Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC, “hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán” là những đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ các trường hợp sau:

  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai;

  • Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh.

Như vậy, những đối tượng nộp thuế theo phương pháp kê khai hoặc theo từng lần phát sinh sẽ không thuộc diện áp dụng thuế khoán.

Thời hạn khai thuế khoán đối với người mới bắt đầu kinh doanh

Theo khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế tính theo năm được quy định như sau:

  1. Hồ sơ quyết toán thuế năm: Chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

  2. Hồ sơ khai thuế năm: Chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính.

  3. Hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân tự quyết toán: Chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

  4. Hồ sơ khai thuế khoán của hộ, cá nhân kinh doanh đang hoạt động: Chậm nhất ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề.

  5. Hồ sơ khai thuế khoán đối với hộ, cá nhân mới bắt đầu kinh doanh: Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

Như vậy, đối với cá nhân hoặc hộ kinh doanh mới thành lập, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán là không quá 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

Thuế khoán được xác định dựa vào căn cứ gì?

Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về việc quản lý thuế đối với hộ khoán như sau:

  1. Hồ sơ khai thuế do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế.
  2. Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
  3. Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã (xã, phường, thị trấn).
  4. Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.

Hãy gọi cho chúng tôi theo số: 
Tổng đài: 028.7777.5678 (30 lines)
Hotline: 0936.234.777 – 0938.234.777
Email: tuvan@vietluat.vn

 

Rate this post