Hiện nay, nhiều người lao động Việt Nam có nhu cầu được ra nước ngoài để làm việc. Vậy người lao động Việt Nam cần lưu ý những gì khi ra nước ngoài làm việc?
1. Người lao động Việt Nam có thể đi làm việc ở nước ngoài không?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 5 Luật này cũng quy định về các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm có:
– Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
– Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
+ Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.
+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
– Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Như vậy, từ quy định trên, NLĐ Việt Nam có thể đi làm việc ở nước ngoài bằng một trong các hình thức nêu trên.
2. Những lưu ý khi giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động nước ngoài
Điều kiện của NLĐ Việt Nam do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa đi làm việc ở nước ngoài
Theo Điều 44 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 2020 quy định điều kiện của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa đi làm việc ở nước ngoài như sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
– Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động;
– Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động;
– Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng;
– Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần chuẩn bị Hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 2020, gồm có:
– Đơn đi làm việc ở nước ngoài;
– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động thường trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động;
– Giấy chứng nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng; và
– Văn bằng, chứng chỉ về ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và giấy tờ khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
Điều kiện NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết
Theo Điều 50 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 2020 quy định điều kiện của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ trực tiếp giao kết như sau:
(1) Điều kiện về đối tượng:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
– Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động;
– Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động;
– Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(2) Điều kiện về nội dung hợp đồng lao động
Nội dung chính của hợp đồng lao động trực tiếp giao kết phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, bao gồm:
– Ngành, nghề, công việc phải làm;
– Thời hạn của hợp đồng;
– Địa điểm làm việc;
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ;
– Tiền lương, tiền công;
– Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại;
– Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;
– Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ khác (nếu có);
– Trách nhiệm của người sử dụng lao động ở nước ngoài trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, rủi ro liên quan đến người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
– Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;
(3) Người lao động cần phải có văn bản xác nhận việc đăng ký hợp đồng lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động thường trú.
Những công việc người làm động không được đến làm việc ở nước ngoài
Theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 38 /2020/NĐ-CP, những công việc lao động Việt Nam bị cấm đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:
– Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí;
– Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân;
– Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;
– Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh;
– Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;
– Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);
– Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Thư Viện Pháp Luật.