* Chi nhánh có trách nhiệm khai thuế khi hoạt động
* Chi nhánh có thể giao kết hợp đồng nhưng phải thuộc phạm vi ủy quyền của doanh nghiệp
* Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Căn cứ pháp lý:
– Luật Doanh nghiệp năm 2014;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Thông tư 302/2016/TT-BTC.
1. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, khi thành lập chi nhánh thì ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong trường hợp doanh nghiệp thành lập chi nhánh nhưng ngành nghề chi nhánh dự định kinh doanh chưa được doanh nghiệp đăng ký thì doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục Thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh.
Sau đó, chi nhánh mới thực hiện đăng ký hoạt động chi nhánh theo quy định.
2. Chi nhánh có trách nhiệm khai thuế khi hoạt động
Thứ nhất: Khai, nộp lệ phí môn bài
Chi nhánh khai lệ phí môn bài một lần khi mới bắt đầu hoạt động, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Căn cứ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 của Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức lệ phí môn bài đối với chi nhánh là 1.000.000 đồng/năm.
Quý thành viên có thể tham khảo công việc: Khai, nộp lệ phí môn bài.
Thứ hai: Khai thuế Giá trị gia tăng
Trong trường hợp chi nhánh kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, thì chi nhánh thực hiện việc khai thuế Giá trị gia tăng chung với doanh nghiệp.
Trong trường hợp chi nhánh kinh doanh khác địa phương cấp tỉnh với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì chi nhánh nộp hồ sơ khai thuế Giá trị gia tăng tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của mình. Nếu chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì kê khai thuế giá trị Gia tăng tập trung tại trụ sở chính.
Thứ ba: Khai thuế Thu nhập doanh nghiệp
Trong trường hợp chi nhánh hạch toán độc lập, thì chi nhánh nộp hồ sơ khai thuế Thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại chi nhánh cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh.
Trong trường hợp chi nhánh hạch toán phụ thuộc, thì chi nhánh không phải nộp hồ sơ khai thuế, doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế Thu nhập doanh nghiệp tập trung tại trụ sở chính cho phần thuế phát sinh tại chi nhánh.
Thứ tư: Khai thuế Thu nhập cá nhân
Trường hợp người lao động trực tiếp ký hợp đồng lao động với chi nhánh, đăng ký giảm trừ gia cảnh tại chi nhánh và có thỏa thuận để doanh nghiệp trả lương hộ chi nhánh thì chi nhánh có trách nhiệm kê khai, nộp thuế Thu nhập cá nhân cho người lao động tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh.
Trường hợp người lao động không ký hợp đồng lao động trực tiếp với chi nhánh mà người lao động ký hợp đồng trực tiếp, đăng ký giảm trừ gia cảnh với doanh nghiệp và được doanh nghiệp trả lương nhưng được cử đến làm việc tại chi nhánh, thì chi nhánh không cần phải kê khai và nộp thuế cho người lao động mà thay vào đó là doanh nghiệp sẽ kê khai và nộp thuế Thu nhập cá nhân cho người lao động tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp của doanh nghiệp.
Tham khảo Công văn 18200/CT-TTHT năm 2007.
3. Chi nhánh có thể giao kết hợp đồng nhưng phải thuộc phạm vi ủy quyền của doanh nghiệp
Tại Khoản 1 Điều 45 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
Tại Khoản 5 Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
…
5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.”
Như vậy, chi nhánh có thể giao kết các loại hợp đồng nhằm phục vụ cho hoạt động của mình, nhưng nội dung giao kết phải thuộc phạm vi ủy quyền của doanh nghiệp và việc ủy quyền này nên được thể hiện rõ ràng bằng văn bản.
Thuvienphapluat.vn