Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội và khi doanh nghiệp chậm báo tăng lao động thì bị xử lý như thế nào?
1. Thời hạn thực hiện báo tăng lao động
Theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH lần đầu cho cơ quan BHXH.
Theo quy định trên, công ty phải thực hiện thủ tục báo tăng lao động đóng BHXH, BHYT và BHTN cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp tăng người lao động đóng BHXH, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát sinh tăng, công ty phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH đến cơ quan BHXH.
2. Mức phạt chậm báo tăng lao động
Theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, NSDLĐ chậm đóng tiền BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên sẽ bị phạt như sau:
– Phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật;
– Phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;
– Trường hợp không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với NSDLĐ chậm đóng BHXH bắt buộc.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trường hợp công ty bạn báo tăng lao động đóng BHXH muộn dẫn đến chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải nộp phạt:
– Với số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng
– Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
3. Hồ sơ, thủ tục báo tăng lao động
– Hồ sơ cần chuẩn bị:
Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định hồ sơ điều chỉnh đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bao gồm:
+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT;
+ Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT;
+ Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ;
+ Bảng kê thông tin.
+ Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn thì bổ sung thêm giấy tờ chứng minh (nếu có).
– Thủ tục báo tăng lao động:
Công ty bạn có thể thực hiện báo tăng bảo hiểm xã hội thông qua giao dịch điện tử.
Với các hồ sơ đã có, thực hiện kê khai trên phần mềm và chuyển tới cơ quan BHXH.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được hồ sơ, yêu cầu tăng, giảm lao động của doanh nghiệp sẽ được giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật.