Doanh nghiệp cần phải làm thủ tục gì sau khi thay đổi tên?

Thương hiệu là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, khi tên doanh nghiệp không còn phù hợp với chiến lược phát triển của công ty, quý vị phải nghĩ đến việc đổi tên công ty. Thủ tục đổi tên công ty không làm thay đổi tư cách của pháp nhân, mọi quyền và nghĩa vụ vẫn được kế thừa. Thủ tục này tương đối dễ, tuy nhiên sau khi đổi tên, công ty phải thực hiện một số công việc.

Doanh nghiệp cần phải làm thủ tục gì sau khi thay đổi tên?
Doanh nghiệp cần phải làm thủ tục gì sau khi thay đổi tên?

Thủ tục thay đổi tên công ty:

Theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trường hợp đổi tên doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

– Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc đổi tên doanh nghiệp

Công ty phải nhanh chóng thực hiện đăng ký thay đổi tên của công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi. Việc thay đổi tên không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ nào của công ty.

Tên mới của công ty vẫn phải tuân thủ các quy định trong việc đặt tên của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản liên quan.

Các thủ tục sau khi thay đổi tên công ty

Có kết quả thay đổi tên công ty do Phòng đăng ký kinh doanh thông báo không có nghĩa tất cả các thủ tục đã hoàn tất. Công ty còn phải thực hiện các thủ tục sau khi thay đổi tên công ty, bao gồm:

1. Thay đổi con dấu công ty

Dấu doanh nghiệp có thể được thay đổi. Việc thay đổi tên doanh nghiệp là một trong những trường hợp doanh nghiệp cần phải thay đổi mẫu dấu.

Mặc dù hiện nay doanh nghiệp được tự quản lý về mẫu dấu và không cần thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để đồng nhất về mặt hồ sơ, tài liệu và tạo niềm tin cho các đối tác, khách hàng, doanh nghiệp cần thay đổi mẫu dấu theo tên doanh nghiệp mới.

2. Thay đổi thông tin ngân hàng, bảo hiểm xã hội

* Tài khoản ngân hàng

Kể từ ngày 01/05/2021, thông tin về tài khoản ngân hàng không còn là thông tin đăng ký thuế nữa. Vì vậy, sau khi thành lập, doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng không cần phải thông báo với bất kỳ cơ quan nào.

Tuy nhiên, tài khoản ngân hàng là thông tin quan trọng của mỗi doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động giao dịch. Vì vậy, để thông tin của doanh nghiệp được đồng nhất, sau khi thay đổi tên, doanh nghiệp phải thay đổi thông tin về ngân hàng.

* Bảo hiểm xã hội

Khi có bất cứ thay đổi nào, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Khi đó, theo Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH, doanh nghiệp lập Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK3-TS) kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tên mới nộp tới cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đã tham gia.

Lưu ý: Doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua dịch vụ I-VAN để thực hiện thủ tục này.

3. Thay đổi thông tin tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp

* Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Doanh nghiệp có thể thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi đổi tên, căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 154 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT

4. Nhãn hiệu

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, khi thay đổi tên, công ty đó sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mang tên mới. Tên cũ của công ty sau khi đã được sửa đổi có thể được một trong số các công ty khác đăng ký sử dụng.

Việc tên cũ được công ty khác sử dụng có thể gây nhầm lẫn về chủ sở hữu của nhãn hiệu. Mặt khác, các giấy tờ, tài liệu liên quan đến nhãn hiệu của công ty cũng không được thống nhất.

5. In ấn lại hóa đơn giá trị gia tăng VAT

Đối với các doanh nghiệp phải có hóa đơn VAT thì sau khi thay đổi tên công ty cũng cần phải thay đổi hóa đơn VAT vì trong hóa đơn bắt buộc phải có tên của công ty.

Cách 1: Đóng dấu mới vào hóa đơn và thông báo thay đổi mẫu hóa đơn đặt in cho cơ quan thuế.

– Đối với các số hóa đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên trên tờ hóa đơn, khi có sự thay đổi tên nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu công ty vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên mới vào bên cạnh tiêu thức tên đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (theo mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC).

– Trường hợp công ty khi thay đổi tên thông báo phát hành số lượng hóa đơn còn tiếp tục sử dụng không có hóa đơn mẫu hoặc các chi nhánh trực thuộc sử dụng chung mẫu hóa đơn với trụ sở chính khi thông báo phát hành hóa đơn không đủ hóa đơn mẫu thì được sử dụng 01 số hóa đơn đầu tiên sử dụng theo tên mới hoặc được phân bổ để làm hóa đơn mẫu. Trên hóa đơn dùng làm mẫu gạch bỏ số thứ tự đã in sẵn và đóng chữ “Mẫu” để làm hóa đơn mẫu. Các hóa đơn dùng làm hóa đơn mẫu không phải thực hiện thông báo phát hành (không kê khai vào số lượng hóa đơn phát hành tại Thông báo phát hành hóa đơn).

Cách 2: Thông báo hủy hóa đơn cũ còn tồn đọng, đặt in hóa đơn mới và thông báo sử dụng mẫu hóa đơn mới cho cơ quan thuế.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (1 bình chọn)