Các điều kiện khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là “GTGT”) đầu vào đối với 4 trường hợp hàng hóa được coi như xuất khẩu theo quy định tại Điều 17 Thông tư 219/2013/TT-BTC .
1. Hàng hóa gia công chuyển tiếp
Đối với trường hợp hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài, để đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là “DN”) cần đủ các chứng từ sau:
– Hợp đồng gia công xuất khẩu và các phụ kiện hợp đồng (nếu có) ký với nước ngoài, trong hợp đồng phải ghi rõ cơ sở nhận hàng tại Việt Nam.
– Hóa đơn GTGT ghi rõ giá trị gia công và số lượng hàng gia công trả nước ngoài (theo giá quy định trong hợp đồng) và ghi rõ tên cơ sở nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài.
– Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (gọi tắt là “Phiếu chuyển tiếp”) có đủ xác nhận của bên giao, bên nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và xác nhận của Hải quan quản lý hợp đồng gia công của bên giao và bên nhận.
Hàng hóa gia công cho nước ngoài phải thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng gia công với nước ngoài 200.000 đôi đế giày xuất khẩu. Giá gia công là 800 triệu đồng. Hợp đồng ghi rõ giao đế giày cho Công ty B tại Việt Nam để sản xuất ra giày hoàn chỉnh.
Trường hợp này Công ty A thuộc đối tượng gia công hàng xuất khẩu chuyển tiếp. Khi lập chứng từ chuyển giao sản phẩm đế giày cho Công ty B, Công ty A ghi rõ số lượng, chủng loại, quy cách sản phẩm đã giao, toàn bộ doanh thu gia công đế giày 800 triệu đồng nhận được tính thuế GTGT là 0%.
2. Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật
Để có đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế, DN cần đảm bảo đầy đủ các chứng từ sau:
– Hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam.
– Tờ khai Hải quan hàng hóa xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan.
– Hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên DN nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam.
– Hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Nếu người nhập khẩu tại chỗ được phía nước ngoài ủy quyền thanh toán cho người xuất khẩu tại chỗ thì đồng tiền thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.
– Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của DN có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy định tại Giấy phép đầu tư.
3. Hàng hóa, vật tư do DN Việt Nam xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài
Thủ tục, hồ sơ để DN Việt Nam thực hiện công trình xây dựng tại nước ngoài được khấu trừ thuế hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Tờ khai Hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
– Hàng hóa, vật tư xuất khẩu phải phù hợp theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài do Giám đốc DN Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài phê duyệt.
– Hợp đồng ủy thác xuất khẩu (trường hợp ủy thác xuất khẩu).
4. Hàng hóa, vật tư do cơ sở kinh doanh trong nước bán cho DN Việt Nam để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài và thực hiện giao hàng hóa tại nước ngoài theo hợp đồng ký kết
DN kinh doanh trong nước bán hàng thực hiện khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa xuất khẩu phải thực hiện thủ tục và hồ sơ như sau:
– Tờ khai Hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
– Hàng hóa, vật tư xuất khẩu phải phù hợp theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài do Giám đốc DN Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài phê duyệt.
– Hợp đồng mua bán ký giữa cơ sở kinh doanh trong nước và DN Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài, trong đó cần phải ghi rõ điều kiện giao hàng, số lượng, chủng loại và giá trị hàng hóa.
– Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
– Hóa đơn GTGT bán hàng hóa.
Lưu ý:
– Đối với các trường hợp DN có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu đã có xác nhận của cơ quan Hải quan nhưng không có đầy đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
– Riêng đối với trường hợp hàng hóa gia công chuyển tiếp và hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa.
– Đối với cơ sở kinh doanh có dịch vụ xuất khẩu nếu không đáp ứng được điều kiện về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì không được áp dụng thuế suất GTGT 0%, không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Văn Thắng/ Thư Viện Pháp Luật.