Tên thương mại cũng là một trong những đối tượng được pháp luật bảo vệ, tuy nhiện việc bảo hộ tên thương mại lại có điểm khác nhau so với các đối tượng khác như sáng chế, nhãn hiệu. Vậy có những lưu ý nào đối với quy định bảo hộ tên thương mại ?
1. Điều kiện bảo hộ tên thương mại
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”, trong đó khu vực kinh doanh là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
Căn cứ vào Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ là có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Theo đó, tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 78 Luật này:
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Lưu ý: Mặc dù tên thương mại là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nhưng không được bảo hộ dưới hình thức cấp văn bằng và không xác định thời hạn bảo hộ. Tên thương mại không cần phải tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ mà được công nhận thông qua việc sử dụng trong hoạt động kinh doanh.
Mặt khác, các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa là tên thương mại gồm:
- Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
- Chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.
2. Quyền đối với tên thương mại
Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh. Mỗi chủ thể sản xuất kinh doanh chỉ có một tên thương mại duy nhất.
Sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.
Theo khoản 2 Điều 129 Luật SHTT 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại là:
“Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại”.
Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó; không được quyền chuyển giao.
Thư Viện Pháp Luật.