Có được BHXH chi trả nếu bị tai nạn lao động khi làm việc tại nhà không?

Trong thời buổi hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và người lao động được làm việc tại nhà. Vậy trong thời gian làm việc tại nhà mà bị tai nạn lao động thì NLĐ có được BHXH chi trả không ?

Có được BHXH chi trả nếu bị tai nạn lao động khi làm việc tại nhà không?
Có được BHXH chi trả nếu bị tai nạn lao động khi làm việc tại nhà không?

1. Tai nạn lao động là gì?

Theo Khoản 8, Điều 3, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động và gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Các trường hợp bị xem là TNLĐ khi xảy ra tai nạn:

  • Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của daonh nghiệp cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
  • Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; hoặc
  • Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Nhà ở của NLĐ có được xem là nơi làm việc không?

Theo Khoản 3, Điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về nơi làm việc tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà NLĐ thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của NSDLĐ, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do NSDLĐ bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do NSDLĐ cung cấp và địa điểm khác do NSDLĐ quy định.

Như vậy, có thể hiểu rằng nếu NSDLĐ phân công hoặc có thỏa thuận với NLĐ về làm việc tại nhà thì nhà của NLĐ cũng được xem là nơi làm việc của NLĐ. Do đó, nếu NLĐ bị TNLĐ khi đang làm việc tại nhà (cháy nổ máy vi tính do doanh nghiệp cung cấp, bị tai nạn ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khi sử dụng máy móc/thiết bị do doanh nghiệp cung cấp, hoặc té ngã trong quá trình sinh hoạt cá nhân trong thời gian làm việc,…) cũng được xem là TNLĐ.

3. Bị TNLĐ khi làm việc tại nhà thì có được BHXH chi trả không?

Cần lưu ý, không phải TNLĐ nào xảy ra khi đang làm việc tại nhà cũng đều được hưởng chế độ TNLĐ mà phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 bao gồm:

  • Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp được xem là TNLĐ; và
  • Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ gây ra.

Khi đã đáp ứng đủ các điều kiện trên thì NLĐ làm việc tại nhà sẽ được hưởng chế độ BHXH được Quỹ TNLĐ thuộc Quỹ BHXH chi trả tương tự như trong điều kiện làm việc bình thường theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

  • Nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 05% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần;
  • Nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
  • Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.
  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp TNLĐ, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi người lao động bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hoặc trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Thư Viện Pháp Luật.

5/5 - (1 bình chọn)