Các trường hợp phải nộp thuế khoán

Nhu cầu thành lập hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh hiện nay ngày càng tăng, nhưng người mở lại không rõ phải mở và chọn loại hình như thế nào cho phù hợp với mong muốn của mình và của pháp luật Việt Nam. Khi thành lập hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì áp dụng phương pháp khai thuế kê khai, nộp theo từng lần phát sinh hay phương pháp khoán?

Các trường hợp phải nộp thuế khoán
Các trường hợp phải nộp thuế khoán

1. Đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán

Thuế khoán là một loại thuế dành cho cá nhân hay còn gọi là loại thuế trọn gói, do mức thuế thấp khó xác định rõ ràng nên cơ quan thuế có thẩm quyền định mức một khoản thuế tương ứng cho cá nhân kinh doanh cần phải nộp. Theo đó, thuế khoán thường áp dụng cho loại hình là hộ kinh doanh cá thể.

Khoản 1 Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế khoán như sau:

1. Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc các trường hợp dưới đây sẽ áp dụng phương pháp khoán:

  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
  • Cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định

Lưu ý: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hiểu theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật

2. Cách tính thuế theo phương pháp khoán.

Theo Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán như sau:

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (Hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán.

– Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.

– Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa hợp pháp và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

– Hộ khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: hộ khoán mới ra kinh doanh, hộ khoán kinh doanh thường xuyên theo thời vụ, hộ khoán ngừng, tạm ngừng kinh doanh. Đối với hộ khoán kinh doanh không trọn năm, mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ khoán không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định mức thuế khoán phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế: Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

– Thời hạn nộp thuế: thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

Căn cứ tính thuế: (Căn cứ Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC)

Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

Xác định số thuế phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

– Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN được tính dựa vào các ngành nghề như sau:

STT Danh mục ngành nghề Tỷ lệ % tính thuế GTGT Thuế suất thuế TNCN
1 Phân phối, cung cấp hàng hóa 1% 0,5%
2 Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu 5% 2%
3 Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu 3% 1,5%
4 Hoạt động kinh doanh khác 2% 1%

Lưu ý:

  • Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề.
  • Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thư Viện Pháp Luật 

5/5 - (1 bình chọn)