Đối với doanh nghiệp thì kế toán là không thể thiếu nhưng doanh nghiệp mới thành lập có bắt buộc phải có kế toán trưởng hay không?
1. Doanh nghiệp mới thành lập có bắt buộc phải có kế toán trưởng?
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị sau:
– Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
– Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
Doanh nghiệp là một đơn vị kế toán theo quy định trên doanh nghiệp phải bố trí người làm kế toán trưởng, trừ doanh nghiệp siêu nhỏ.
Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng. Như vậy, doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 12 tháng không bắt buộc phải có kế toán trưởng nhưng sau khoảng thời gian này thì bắt buộc phải có.
2. Thế nào là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định?
Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định các tiêu chí để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ như sau:
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng:
- Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bình quân năm không quá 10 người
- Tổng nguồn vốn: không quá 03 tỷ đồng
- Tổng doanh thu: không quá 03 tỷ đồng/năm.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: thương mại và dịch vụ:
- Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bình quân năm không quá 10 người
- Tổng nguồn vốn: không quá 03 tỷ đồng
- Tổng doanh thu: không quá 10 tỷ đồng/năm.
3. Những lưu ý về tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ
Để xác định đâu là doanh nghiệp siêu nhỏ thì cần lưu ý:
Thứ nhất, về số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của năm chia cho số tháng trong năm (Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.)
Thứ hai, về tổng nguồn vốn
Xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế (Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ).
Thứ ba, về tổng doanh thu
Tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 9 Nghị định 39/2018).
Thứ tư, về lĩnh vực hoạt động
Xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất
4. Mức xử phạt liên quan đến việc bố trí người làm kế toán trường
Căn cứ Điều 17 Nghị Định 41/2018/NĐ-CP
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Thuê tổ chức, cá nhân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề kế toán để làm dịch vụ kế toán cho đơn vị mình;
- Không thực hiện bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán theo thời hạn quy định;
- Không tổ chức bàn giao công tác kế toán khi có thay đổi về người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán;
- Không thông báo theo quy định khi thay đổi kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không tổ chức bộ máy kế toán của đơn vị kế toán; không bố trí người làm kế toán, làm kế toán trưởng hoặc không thuê tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán làm kế toán, làm kế toán trưởng theo quy định; Bố trí người làm kế toán mà pháp luật quy định không được làm kế toán;
- Bố trí người làm kế toán, người làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;
- Bổ nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán không đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Bố trí người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ hoặc mua, bán tài sản trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Bố trí người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định; Thuê người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
Bổ nhiệm hoặc thuê người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định đối với các trường hợp theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật.