Quy trình, thủ tục chấm dứt dự án đầu tư mới nhất

Tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, đặc biệt là do tác động của đại dịch COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, dẫn đến một số doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động. Vậy thủ tục chấm dứt dự án đầu tư được tiến hành như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo quy định trong bài viết dưới đây.

CÁC TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo quy định tại Điều 48 – Luật Đầu tư 2020, Nhà đầu tư chấm dứt dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

  1. Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
  2. Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
  3. Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Ngoài những trường hợp trên, cơ quan đăng ký đầu tư có thể yêu cầu chấm dứt hoặc chấm dứt một phần dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

  1. Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật Đầu tư mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
  2. Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;
  3. Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
  4. Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
  5. Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
  6. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
  7. Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

QUY TRÌNH NỘP HỒ SƠ CHẤM DỨT DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Dịch vụ của Việt Luật

Bước 1: Việt Luật tư vấn các quy định có liên quan

Trước khi nộp hồ sơ chấm dứt dự án đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án phải nộp báo cáo cho cơ quan cấp phép sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các loại báo cáo gồm:

  1. Báo cáo thực hiện dự án theo quý, được nộp trên Hệ thống đầu tư quốc gia;
  2. Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư nộp 6 tháng 1 lần (Thực hiện báo cáo giám sát và nộp tại văn thư Sở (1 năm có 2 kỳ báo cáo: 6 tháng và cả năm). Mẫu báo cáo số 13,15,17 tại Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Lưu ý:

  • Chủ động trao đổi, làm việc với cán bộ thụ lý hồ sơ dự án về nội dung xử lý vi phạm hành chính theo quy định (nếu có).
  • Sau khi doanh nghiệp thực hiện xong các báo cáo trên sẽ làm việc với Sở KHĐT để thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính (nếu có)

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ và hướng dẫn khách ký tên

Tài liệu cần cung cấp

  1. Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
  2. Bản sao y công chứng báo cáo tài chính
  3. Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thành phần hồ sơ

  • Quyết định chấm dứt chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
  • Kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các tài liệu có liên quan đến việc chấm dứt dự án đầu tư

Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo các điều kiện quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư):

  • Thông báo của nhà đầu tư;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có)
  • Điều lệ hoặc hợp đồng trong trường hợp điều lệ hoặc hợp đồng ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Bước 3: Đăng ký mã hồ sơ trên hệ thống quốc gia

Bước 4: Nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền

Bước 5: Nhận kết quả và bàn giao cho khách hàng

Thời gian xử lý hồ sơ chấm dứt dự án đầu tư là 15 ngày làm việc

PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH KHI KHÔNG NỘP BÁO CÁO 

Căn cứ Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, quy định vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam sẽ được xử lý theo Điều 15 của Nghị định số 122/2021/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;

b) Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định;

b) Báo cáo không trung thực, không chính xác về hoạt động đầu tư;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Buộc thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư trong trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này…”

Tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án, Cơ quan đăng ký đầu tư đã quy định về điều kiện ràng buộc đối với dự án là nhà đầu tư, tổ chức kinh tế phải thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, giám sát hoặc thẩm định hồ sơ đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư; nếu nhà đầu tư, tổ chức kinh tế không thực hiện chế độ báo cáo sẽ chuyển Thanh tra Sở xử phạt hành chính theo quy định.

MẪU BÁO CÁO GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ

Kể từ 01/9/2023, mẫu báo cáo giám sát sẽ theo quy định tại Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý hệ thống vận hành thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác, bao gồm:

a) Mẫu số 13: Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn thực hiện đầu tư (6 tháng, cả năm);

b) Mẫu số 14: Báo cáo đánh giá đột xuất;

c) Mẫu số 15: Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án đầu tư;

d) Mẫu số 16: Báo cáo đánh giá kết thúc;

đ) Mẫu số 17: Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn khai thác, vận hành (6 tháng, cả năm);

e) Mẫu số 18: Báo cáo đánh giá tác động.

Do đó, Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế sẽ nộp mẫu số 13 và 16, mẫu số 15 (nếu có) trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật đầu tư 2020;
  • Nghị định số 31/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020;
  • Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư;
  • Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
  • Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý hệ thống vận hành thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Mọi thắc mắc quý khách liên hệ lại để được hỗ trợ

Hãy gọi cho chúng tôi theo số: 
Tổng đài: 028.7777.5678 (30 lines)
Điện thoại di động (Zalo/Viber): 0934234777 – 0938234777 – 0936234777
Email: [email protected]

5/5 - (2 bình chọn)