Quá trình chế biến thực phẩm không chỉ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ mà còn cần lưu ý đến những hóa chất không được sử dụng. Việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm là hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vậy chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định như thế nào ?
1. Điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm
Điều 10 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm như sau:
– Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
– Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây:
+ Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
+ Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm;
+ Quy định về bảo quản thực phẩm
2. Những hóa chất không được sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Chất cấm là những hóa chất không được sử dụng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. Thậm chí khi nhiễm phải những hóa chất độc hại này thì còn có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BYT quy định chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm các chất có trong các Danh mục sau:
– Phụ lục V “Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, xuất khẩu” ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017;
– Các Danh mục I, II, III, IVA danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018;
– Phụ lục I “Danh mục dược chất gây nghiện” ban hành kèm theo Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/05/2017;
– Danh mục Thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BYT ngày 03/05/2017;
– Các Phụ lục I, II, III danh mục dược liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BYT ngày 13/11/2017;
– Danh mục các chất có trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BYT, đơn cử như: Aildenafil, Aminotadalafi, …
3. Xử phạt hành vi kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm
Vi phạm hành chính
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP
Theo đó, tùy thuộc vào mức vi phạm mà có các mức xử phạt khác nhau.
Bên cạnh hình phạt tiền, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như:
– Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm;
– Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.
Tùy vào các trường hợp mà có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm quy định…
Vi phạm hình sự
Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về an toàn về sinh thực phẩm như sau:
Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…
Theo đó, nếu hành vi sử dụng chất cấm có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015 thì cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị khởi tố hình sự với mức khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù.
Như vậy, việc kiểm tra danh mục chất cấm trước khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Do các quốc gia có quy chuẩn khác nhau về danh mục chất cấm, do đó sản phẩm xuất khẩu trước khi sản xuất cần kiểm tra danh mục chất cấm tại nước có ý định xuất khẩu để tránh rủi ro.
Thư Viện Pháp Luật.