Văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành cho phép chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh vận hành toàn bộ hoặc một phần công trình dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh được hiểu là Giấy phép môi trường.
1. Đối tượng phải có giấy phép môi trường
Theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các đối tượng dưới đây phải có giấy phép bảo vệ môi trường:
– Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
– Dự án đần tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
– Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.
2. Thời điểm cấp giấy phép môi trường
– Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.
– Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản như: Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí; Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng;
– Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm, quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng;
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật BVMT 2020 đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành.
3. Thủ tục cấp giấy phép môi trường
Hồ sơ:
Theo khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường;
– Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;
– Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường
(1) Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau:
– Đối tượng quy định phải có giấy phép môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
– Đối tượng quy định phải có giấy phép môi trường nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
(2) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
(3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây:
– Dự án đầu tư nhóm II thuộc Đối tượng quy định phải có giấy phép môi trường
– Dự án đầu tư nhóm III thuộc Đối tượng quy định phải có giấy phép môi trường nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
– Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Bảo vệ môi trường đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
(4) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép môi trường đối với Đối tượng quy định phải có giấy phép môi trường còn lại
Trình tự, thủ tục
Bước 1: Nộp hồ sơ:
– Chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đến cơ quan có thẩm quyền.
– Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ;
– Công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
– Kiểm tra thực tế thông tin dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
– Tổ chức việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường.
Bước 3: Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thông báo kết quả được thực hiện trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở;
– Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi cấp giấy phép môi trường;
– Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó trước khi cấp giấy phép môi trường
Thư Viện Pháp Luật.