7 đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật hiện hành, một số đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp, để biết những đối tượng đó là ai, mời bạn đọc tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.

> Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói

Chủ thể thành lập doanh nghiệp
Chủ thể thành lập doanh nghiệp

ĐỐI TƯỢNG BỊ CẤM THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP

Theo quy định tại Khoản 2 – Điều 17 – Luật Doanh nghiệp 2020 thì các đối tượng dưới đây không được thành lập và quản lý doanh nghiệp:

  1. Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  2. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
  3. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
  4. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn nhà nước trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  5. Người chưa thành niên; Người hạn chế năng lực hành vi dân sự; Người bị mất năng lực hành vi dân sự; Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; Tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  6. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng;
  7. Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự;

ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ĐƯỢC GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, MUA PHẦN VỐN GÓP

Theo quy định tại Khoản 3 – Điều 17 – Luật Doanh nghiệp 2020 thì các đối tượng dưới đây không được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÓ ĐƯỢC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP KHÔNG?

Dịch vụ pháp lý của Việt Luật
Dịch vụ pháp lý của Việt Luật

Viên chức

Theo quy định tại Điều 2 – Luật Viên chức thì:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

=> Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 – Điều 14 – Luật viên chức thì viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Công chức

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Điều 20 – Luật Cán bộ công chức thì:

Điều 20. Những việc khác cán bộ, công chức không được làm

Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm d, đ – Khoản 2 – Điều 20 – Luật phòng chống tham nhũng thì:

Điều 20. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn

1. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.

2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:

a) Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;

b) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

c) Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

d) Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

Do đó, cán bộ, công chức không được phép thành lập hoặc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã. Tuy nhiên, cán bộ, công chức không bị cấm thành lập hộ kinh doanh cá thể vì Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp tư nhân hay các loại hình công ty khác.

Dựa vào quy định trên có thể rút ra được hình thức mà công chức có thể kinh doanh bao gồm:

  • Góp vốn vào các loại hình doanh nghiệp nhưng với điều kiện là không được làm phát sinh quyền điều hành quản lý doanh nghiệp đó.
  • Được phép kinh doanh dưới hình thức hộ gia đình và được góp vốn vào các doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của mình.

PHẠT VI PHẠM VỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Theo Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP , người không có quyền tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp nhưng vẫn thực hiện có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt của tổ chức.

Trên đây là toàn bộ những lưu ý về đối tượng không được thành lập doanh nghiệp/công ty. Mọi thắc mắc quý khách liên hệ theo thông bên dưới để được hỗ trợ.

QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ VIỆT LUẬT ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:

Tòa nhà Số 2 Hoa Phượng, Phường 2, Quận Phú Nhuận, TP.HCM

Điện thoại: 028.7777.5678 (30 lines)

Hotline: 0934 234 777 (Ms Sương) – 0936 234 777 (Mr Mẫn)

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected]

Việt Luật - hân hạnh được hỗ trợ quý khách trong việc thành lập doanh nghiệp

5/5 - (1 bình chọn)