Năm 2022: Các quy định về thu hồi giấy phép cho thuê lại lao động

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép cho thuê lại lao động. Vậy trong trường hợp nào thì giấy phép cho thuê lại lao động bị thu hồi ?

1. Giấy phép lao động bị thu hồi trong trường hợp nào?

Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp giấy phép lao động bị thu hồi trong các trường hợp sau:

– Chấm dứt hoạt động cho thuê lại lao động theo đề nghị của doanh nghiệp cho thuê lại;

– Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;

– Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này;

– Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;

– Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

– Doanh nghiệp cho thuê lại có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả.

Như vậy, nếu doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ bị thu hồi giấy phép cho thuê lại lao động.

2. Hồ sơ, trình tự thu hồi giấy phép khi doanh nghiệp cho thuê lại lao động chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản

2.1. Hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép cho thuê lại lao động

Hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép cho thuê lại lao động khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản gồm có những tài liệu sau:

(i) Văn bản đề nghị thu hồi giấy phép theo Mẫu số 06/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

(ii) Giấy phép đã được cấp hoặc văn bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại đối với trường hợp giấy phép bị mất;

(iii) Báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động của doanh nghiệp theo Mẫu số 09/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP; và

(iv) Bản sao hợp đồng cho thuê lại lao động đang còn hiệu lực đến thời điểm đề nghị thu hồi giấy phép.

2.2. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép khi doanh nghiệp cho thuê lại lao động chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản

Khi doanh nghiệp cho thuê lại lao động chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản, giấy phép cho thuê lại lao động bị thu hồi theo trình tự và thủ tục sau:

Bước 1. Gửi hồ sơ

Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ theo hướng dẫn tại mục 2.1 đến Sở Lao động – Thương binh và xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ

– Sau khi nhận đủ hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép lao động của doanh nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đủ hồ sơ.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép của doanh nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra, rà soát các hợp đồng cho thuê lại lao động đang còn hiệu lực của doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp cho thuê lại giải quyết chế độ cho người lao động theo Điều 29 Nghị định này và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh thu hồi giấy phép.

Bước 3. Thu hồi giấy phép

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi giấy phép. Quyết định thu hồi giấy phép theo Mẫu số 08/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép khi doanh nghiệp cho thuê lại lao động thuộc những trường hợp còn lại (các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 28 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)

Bước 1. Kiểm tra, thu thập bằng chứng

Khi phát hiện doanh nghiệp cho thuê lại thuộc các trường hợp:

(i) Doanh nghiệp không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này;

(ii) Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;

(iii) Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; hoặc

(iv) Doanh nghiệp cho thuê lại có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thực hiện kiểm tra, thu thập các bằng chứng liên quan và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi giấy phép;

Bước 2. Ra quyết định thu hồi giấy phép

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi giấy phép của doanh nghiệp.

Bước 3. Nộp lại giấy phép

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy phép, doanh nghiệp cho thuê lại có trách nhiệm nộp lại giấy phép cho UBND cấp tỉnh.

Lưu ý: Doanh nghiệp cho thuê lại không được cấp giấy phép trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bị thu hồi giấy phép vì vi phạm các nội dung quy định tại các điểm c, d, đ và điểm e khoản 1 Điều này.

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động khi bị thu hồi giấy phép

Theo Điều 29 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động khi bị thu hồi giấy phép như sau: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về việc không gia hạn hoặc không cấp lại hoặc thu hồi giấy phép, doanh nghiệp cho thuê lại thực hiện thanh lý toàn bộ các hợp đồng cho thuê lại lao động đang thực hiện, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại và bên thuê lại theo quy định của pháp luật lao động, đồng thời đăng công khai nội dung chấm dứt hoạt động cho thuê lại lao động trên ít nhất một báo điện tử được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật trong 07 ngày liên tiếp.

Thư Viện Pháp Luật.

Rate this post