Điều kiện, thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại

Việc thành lập văn phòng thừa phát lại nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong hoạt động thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Vậy thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại cần chú ý những điểm gì? Mời bạn đọc tham khảo quy trình trong bài viết sau đây.

Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói và Thành lập công ty nước ngoài

Lập vi bằng

PHẠM VI THỰC HIỆN CÔNG VIỆC CỦA THỪA PHÁT LẠI

  1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;
  2. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài;
  3. Thông báo kết quả tống đạt
  4. Lập vi bằng
  5. Xác minh điều kiện thi hành án dân sự
  6. Thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự;

TIÊU CHÍ THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

  • Điều kiện về kinh tế – xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
  • Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
  • Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
  • Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Loại hình của văn phòng thừa phát lại

  • Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
  • Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.

Người đại diện pháp luật của Văn phòng thừa phát lại

  • Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại.
  • Văn phòng Thừa phát lại có thể có Thừa phát lại là thành viên hợp danh, Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và thư ký nghiệp vụ.

Tên gọi của Văn phòng thừa phát lại

  • Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phân tên riêng liên sau;
  • Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Văn phòng Thừa phát lại khác trong phạm vi toàn quốc, không được vi phạm truyền thông lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Con dấu, tài khoản của Văn phòng thừa phát lại

  • Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
  • Con dấu của Văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy. Văn phòng Thừa phát lại được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Thủ tục, hồ sơ đăng ký mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
  • Chế độ tài chính của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

  • Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại;
  • Không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát.

TIÊU CHUẨN BỔ NHIỆM THỪA PHÁT LẠI – THƯ KÝ NGHIỆP VỤ

Đối với Thừa phát lại

Theo quy định tại Điều 6 –  Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thì tiêu chuẩn bổ nhiệm thừa phát lại bao gồm:

  1. Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
  2. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
  3. Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
  4. Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát;
  5. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Đối với Thư ký nghiệp vụ

Theo quy định tại Khoản 3 – Điều 17 –  Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thì thư ký nghiệp vụ cần đảm bảo đủ các điều kiện sau:

  • Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
  • Phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên và không thuộc các trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại.

THỦ TỤC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Dịch vụ của Việt Luật
Dịch vụ của Việt Luật

Bước 1: Nộp hồ sơ xin thành lập Văn phòng thừa phát lại

Thành phần hồ sơ 

  • Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
  • Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;
  • Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

Cơ quan có thẩm quyền

Sở Tư pháp nơi đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Thời gian xử lý

  • Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.
  • Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký hoạt động

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép thành lập.

Thành phần hồ sơ 

  • Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
  • Bản sao y công chứng Quyết định thành lập tại Bước 1;
  • Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
  • Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu;
  • 01 ảnh chân dung của Thừa phát lại cỡ 2 cm x 3 cm chụp không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ;
  • Giấy tờ chứng minh điều kiện của người đại diện theo pháp luật; trụ sở, con dấu…

Thời hạn xử lý

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Văn phòng Thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động.

CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO CỦA VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

1. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về tổ chức và hoạt động của mình.

Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động Thừa phát lại tại địa phương.

Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp.

2. Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc báo cáo để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát về hoạt động, quản lý tài chính, thuế theo quy định của pháp luật.

 

5/5 - (2 bình chọn)